Vệ sinh môi trường nông thôn: Chuyển từ ý thức người dân
NDĐT- Tới năm 2015, mục tiêu của chương trình quốc gia về nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn là 65% hộ gia đình khu vực này có nhà tiêu hợp vệ sinh. Nỗ lực này góp phần giảm các bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, tăng chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn.
Xây dựng nhà vệ sinh của người dân huyện Quảng Uyên, Cao Bằng (Ảnh tư liệu dự án).
Nâng ý thức cộng đồng
Với các hộ dân của xóm Pác Cạm, xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, có lẽ, cuộc sống thay đổi một phần từ…nhà vệ sinh. Đây là tâm sự “vui” của trưởng xóm người Tày Nông Văn Minh, 39 tuổi.
Cách đây hai năm, tháng 3-2011, khảo sát thực tế từ địa phương cho thấy, tất cả các hộ dân trong xóm không có nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ thực tế này, với sự hỗ trợ của các cán bộ về vệ sinh cộng đồng, anh Minh hiểu rằng, vận động người dân không khó nếu cán bộ xóm gương mẫu và giúp đỡ các gia đình.
|
Nói là làm, anh Minh bàn với bí thư chi bộ xóm tiên phong làm nhà vệ sinh. Trong quá trình vận động, anh Minh cũng xây giúp 15 hộ công trình phụ không thù lao. Sau sáu tháng, toàn bộ 29 hộ dân đã có nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, môi trường sống ở xóm Pác Cạm cũng thay đổi. Dù nhiều gia đình còn khó về kinh phí, trưởng xóm Minh động viên mọi người tham gia để giữ gìn môi trường và nguồn nước ở địa phương.
Trạm trưởng y tế xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên, Lương Thanh Sậu cho biết, trước đây, tỷ lệ một số bệnh tại cộng đồng ở xóm Pác Cạm như giun sán, tiêu chảy, lỵ, viêm da, đau mắt đỏ… xảy ra nhiều, khoảng 15%. Sau khi có nhà vệ sinh, các loại bệnh này đã giảm đáng kể.
Thành công từ việc cải thiện môi trường sống của đồng bào dân tộc thiểu số xóm Pác Cạm là một kết quả khả quan từ dự án “Cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh môi trường tại huyện Quảng Uyên, Cao Bằng do tổ chức Childfund triển khai. Dự án áp dụng phương pháp vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS) từ tháng 1 năm 2011 ở 94 thôn, xóm của huyện Quảng Uyên.
Với ngân sách hơn 1,9 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí xây gần 1.000 nhà vệ sinh, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi hộ, tương đương một nửa chi phí xây dựng. Ngoài ra, dự án cũng hoàn thành hai công trình cấp nước sạch tại các trường học.
Chị Kiều Thu Hường, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quảng Uyên, thành viên dự án chia sẻ, tham gia trực tiếp với bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, mới thấy cách làm này mang tính trực quan cao, gây ấn tượng, khơi dậy ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho người dân tại thôn xóm. Từ việc phân tích rõ hành vi, nguyên nhân, hậu quả để người dân hiểu rõ tác hại của việc mất vệ sinh môi trường sống, từ đó có ý thức thay đổi hành vi một cách bền vững.
Hai năm qua, dự án của Childfund đã khởi động tới 42/94 thôn trên địa bàn huyện Quảng Uyên. Đánh giá ban đầu của dự án cho thấy, người dân đã thay đổi nhận thức, hànhvi, dễ dàng nhận thức về mối liên hệ giữa tình trạng mất vệ sinh và sức khoẻ tại cộng đồng.
Ông Đặng Quốc Việt, điều phối viên của tổ chức WorldVision, cho hay, trước đây, WorldVision cũng hỗ trợ người dân ở nhiều vùng nông thôn làm nhà vệ sinh, nhưng kết quả không bền vững. Sau năm năm, ở tỷ lệ hộ dân ở một số vùng dự án làm nhà vệ sinh không tăng, nhiều hộ có nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Áp dụng CLTS mang lại kết quả khả quan hơn. Tại ba địa bàn thí điểm, tỷ lệ hộ dân có nhà vệ sinh tăng. Như tại xã Bình Lương (huyện Như Xuân, Thanh Hoá) tăng từ 5% lên 55%; xã Cường Chính (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) từ 10% lên 75%…
Hơn 1,6 triệu công trình vệ sinh cho khu vực nông thôn
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 (NTP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 366 năm 2012.
Theo đó, mục tiêu về vệ sinh đến năm 2015 kỳ vọng 65% hộ gia đình nông thông có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế xã nông thôn có công trình nước và vệ sinh. Như vậy, sẽ có khoảng 1,6 triệu nhà vệ sinh hộ gia đình và hơn 1.400 công trình nước/vệ sinh cho trạm y tế xã cần được cải tạo, xây mới.
Để đạt mục tiêu này, ông Nga khẳng định cần áp dụng các giải pháp quyết liệt, phát triển những mô hình vệ sinh có hiệu quả, trong đó có mô hình CLTS.
Trước đó, từ năm 2009, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), các hoạt động CLTS/SLTS đã được Bộ Y tế triển khai tại 667 thôn ở bảy địa phương. Các hoạt động hỗ trợ cụ thể như tổ chức các đội thợ xây địa phương, tập huấn kỹ thuật xây nhà tiêu hợp vệ sinh, hỗ trợ phát triển thị trường…
Ông Nga cũng mong muốn việc sử dụng nhà vệ sinh đúng cách trở thành thói quen thường xuyên của người dân nông thôn. Đây cũng là một trong những nỗ lực nâng cao đời sống của dân cư khu vực này.
CLTS (Community Lead Total Sanitation – phương pháp vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ) được giới thiệu đầu tiên tại Ấn Độ và hiện đã triển khai tới gần 30 quốc gia trên thế giới. Phương pháp này khuyến khích thay đổi hành vi vệ sinh của người dân tại cộng đồng. |
LÊ NGÂN
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn 19/05/2023
- Trao đổi triển khai kế hoạch công tác năm 2023 giữa Cục Quản lý Môi trường y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam 14/02/2023
- Kết quả thi tuyển vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức của Cục Quản lý Môi trường y tế năm 2022 18/01/2023