Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9)
Sáng 13/4/2013, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị “Triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9)”, chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Cao Đức Phát, cùng Bộ/Ban/Ngành/Đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch cúm ở người; Ban chỉ
Hội nghị đã được nghe Bộ trưởng Bộ Y tế tóm tắt tình hình dịch bệnh đã diễn ra trên thế giới và Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) đại dịch, viêm đường hô hấp cấp do corona vi rút gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tổn thất kinh tế của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 29/3/2013 đến ngày đến ngày 11/4/2013, Trung Quốc đã phát hiện 38 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) tại 4 tỉnh/thành phố. Hầu hết các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nặng, tiến triển nhanh, nguy kịch và đã có 10 trường hợp tử vong. Hiện số mắc gia tăng từng ngày, xảy ra trên diện rộng. Đây là bệnh do chủng vi rút cúm A(H7N9) chưa từng gây bệnh cho người trước đây và có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy hai tuần, ngành y tế đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kích hoạt khởi động toàn hệ thống vào cuộc để triển khai công tác phòng chống dịch. Ngày 04/4/2013, Bộ Y tế đã có Công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại địa phương. Ngày 03/4/2013, Bộ Y tế đã có Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Công thương đề nghị các Bộ chỉ đạo phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện dịch bệnh trên gia cầm, phối hợp trong việc tăng cường kiểm soát, quản lý việc nhập khẩu, buôn bán, lưu thông gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch trên thị trường cũng như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho người dân.
Thời điểm hiện nay chúng ta chưa phát hiện được có ca bệnh cúm A(H7N9) trên người cũng như vi rút cúm A(H7N9) trên gia cầm tại Việt Nam, Bộ Y tế đang tập trung: Thực hiện giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu thông qua theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa và hệ thống giám sát cúm tại cộng đồng. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên (nếu có) để kịp thời tổ chức cách ly và xử lý. Bộ Y tế cũng đã tiến hành tổ chức tập huấn cho tất cả các tỉnh, thành phố về công tác giám sát, chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân. Chỉ đạo các đơn vị rà soát cơ số thuốc, hoá chất, các phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp đi kiểm tra công tác triển khai chống dịch sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Viện các Bệnh nhiệt đới quốc gia và Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Đoàn cán bộ của Bộ Y tế cũng đã đi kiểm tra tại Lạng Sơn, Lào Cai, Đồng Tháp…. Qua kiểm tra các đơn vị, các địa phương đã thực hiện tốt công tác giám sát để phát hiện và sẵn sàng thu dung bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo và giao cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động lấy mẫu xét nghiệm cũng như hướng dẫn các địa phương xác định dịch bệnh. Về công tác tuyên truyền, Bộ Y tế đã cập nhật và cung cấp thông tin kịp thời và phối hợp rất tốt với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang song chủ động, tích cực phòng chống.
Theo ông Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm các các bệnh nếu có; thiết lập chẩn đoán phòng thí nghiệm; thống nhất áp dụng các biện pháp phòng chống và kiểm soát khuẩn thích hợp trong cơ sở y tế và giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế; thực hiện truyền thông nguy cơ; chuẩn bị sẵn sàng tại các cơ sở điều trị; tăng cường sự hợp tác hai ngành thú y và y tế; WHO không khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào hạn chế đi lại đối với người rời khỏi Trung Quốc; WHO khuyến cáo không nên áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào tại thời điểm này.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận về công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9) từ các Bộ/Ngành và các Tỉnh/Thành phố, cũng như kế hoạch ngăn chặn gia cầm nhập lậu và kế hoạch ứng chống dịch. Trên cơ sở đó các đại biểu sẽ thảo luận chung về các vấn đề đã được đưa ra như: Triển khai mạnh mẽ công tác giám sát nhằm phát hiện cúm A(H7N9) (nếu có) trên gia cầm cũng như trên người để tập trung xử lý sớm ổ dịch, không để bệnh lây lan; đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; tổ chức công tác giám sát, phát hiện nhằm không để dịch xảy ra trên diện rộng và hạn chế thấp nhất tử vong có thể xảy ra…
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Cao Đức Phát đề cao quyết tâm của Nhà nước và xã hội trước dịch bệnh mới, đồng thời cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao cảnh giác phòng chống dịch cúm, giám sát chủ động, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học ở các trang trại, đặc biệt tăng cường phòng chống buôn lậu. Tăng cường hợp tác quốc tế trao đổi thông tin thường xuyên để công tác phòng chống dịch được hiệu quả.
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn 19/05/2023
- Trao đổi triển khai kế hoạch công tác năm 2023 giữa Cục Quản lý Môi trường y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam 14/02/2023
- Kết quả thi tuyển vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức của Cục Quản lý Môi trường y tế năm 2022 18/01/2023