Thứ trưởng Bộ Y tế tìm hiểu nguyên nhân tỷ lệ bệnh nhân mù mắt cao tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng



Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Lãnh đạo Sở Y tế và các sở ngành liên quan, Lãnh đạo UBND và các phòng, ban Thị xã Vĩnh Châu. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc Theo kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Y […]

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Lãnh đạo Sở Y tế và các sở ngành liên quan, Lãnh đạo UBND và các phòng, ban Thị xã Vĩnh Châu.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc

Theo kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Y tế công cộng TP. HCM trong thời gian qua cho thấy: tổng số người bị mù 2 mắt và mù 1 mắt được TTYT thị xã Vĩnh Châu ghi nhận là 1.248 người, trong đó 967/1248 (77%) là mù 1 mắt 281/1248 (23%) là mù 2 mắt. Trong đó tỷ lệ mù ít nhất 1 mắt của Vĩnh Châu là 6 nguời/1.000 dân, riêng tại Phường 2 và xã Vĩnh Hải tỷ lệ này cao gần gấp hai lần (11 nguời/1.000 dân), cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 5 nguời/1.000 dân. Tỷ lệ mù 2 mắt tại Vĩnh Châu vẫn nằm trong giới hạn bình thường của toàn quốc. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu của mù 2 mắt (20,3%), mù 1 mắt (45,3%) và ít nhất một mắt là 39,7%. Xã phuờng có tỉ lệ mù 2 mắt và 1 mắt cao nhất là phường 2 (15,7%; 29,1%), Vĩnh Hải (15%; 25,8%), Lai Hòa (14,6%; 9,5%) và Lạc hòa (12,5%; 8,8%)….


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng Đoàn công tác kiểm tra tại trạm y tế xã Vĩnh Hải,

Cũng theo kết quả phân tích từ 1.157 người bị Viêm loét giác mạc và 1.248 trường hợp bị mù mắt cho thấy: Tỷ lệ Viêm loét giác mạc tại thị xã Vĩnh Châu cao gấp 12 lần so với một số nước phát triển, đặc biệt tại Phường 2 và xã Vĩnh Hải cao gấp 3 lần tỷ lệ chung củaVĩnh Châu, đây là nguyên nhân chính của mù một mắt và ít nhất một mắt. Viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh nghề nghiệp của người nông dân trồng hành tím. Các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc. Nhiễm nấm mốc có trong hành cũng tạo điều kiện viêm loét giác mạc do nấm. Việc điều trị viêm loét giác mạc không kịp thời, điều trị sai, tự điều trị làm cho bệnh diễn biến nặng gây sẹo giác mạc và giảm thị lực, trường hợp nặng gây mù lòa. Không có mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với nguyên nhân gây viêm loét giác mạc và mù lòa tại Vĩnh Châu. Không có mối liên quan giữa các yếu tố môi trường (đất, nước) với việc viêm loét giác mạc và mù một mắt và mù ít nhất một mắt tại Thị xã Vĩnh Châu.

Cũng tại buổi làm việc lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng đã báo cáo về tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn trong thời gian qua.

Phát biểu tại buổi làm việc UBND thị xã Vĩnh Châu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương thị xã, trong thời gian qua đã nỗ lực, phối hợp của các phòng ban trong việc phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết. Tuy nhiên dịch bệnh đang diễn biến có xu hướng gia tăng, Thứ trưởng đề nghị với thị xã cần tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân và hộ gia đình tổ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi muỗi tại các hộ gia đình.

Qua buổi kiểm tra thực tế tại địa phương Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: về nguyên nhân chính của bệnh mù mắt, viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím, đặc biệt là giai đoạn: cắt hành, làm đất trồng hành thì ngành nông nghiệp phải có hướng dẫn vệ sinh an toàn lao động cho người dân. Khi bị các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc thì nhiệm vụ ngành y tế phải hướng dẫn, cứu chữa kịp thời, đúng cách thì mới đảm bảo an toàn. Thứ trưởng giao BV Chợ Rẫy, BV Mắt TP. HCM trong việc hỗ trợ Vĩnh Châu trong việc điều trị và dự phòng các trường hợp bị tổn thương mắt.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương đưa ra khuyến cáo cho người dân cần thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh viêm loét giác mạc, mù lòa: 1) Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo thực hiện tốt các quy định vệ sinh lao động; khám sàng lọc định kỳ cho người lao động nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời; 2) Các cơ quan chức năng địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống bệnh viêm loét giác mạc, mù lòa, bảo vệ sức khỏe người dân làng nghề sản xuất hành tím; 3) Ngành y tế địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động và người dân thực hiện các biện pháp dự phòng như sử dụng kính và các phương tiện bảo hộ khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành, hướng dẫn người lao động, người dân sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ; 4)Khi mắt bị viêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, điều trị thích hợp. Không tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc dân gian; 5) Các cơ sở điều trị chuyên khoa cần tổ chức khám sức khoẻ, điều trị viêm loét giác mạc theo phác đồ điều trị. Phương pháp điều trị viêm loét giác mạc chủ yếu là dùng nước muối sinh lý rửa mắt, điều trị phối hợp kháng sinh phổ rộng và kháng sinh kháng nấm.

Một số hình ảnh của đoàn công tác


Đoàn công tác tới kiểm tra tại xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra mắt cho bệnh nhân

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thăm hỏi các gia đình

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác trao đổi với người dân trong tập quán sản xuất

Nguồn: Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế


Xem thêm ...