Nhiễm độc hóa chất trừ sâu



Hóa chất trừ sâu (HCTS) là tên gọi dùng để chỉ các chất hóa học tổng hợp được dùng để phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo vệ cây trồng trong nông, lâm nghiệp và y tế. Nước ta là nước nông nghiệp, theo ước tính cả nước có trên 11 triệu người thường xuyên tiếp […]

Hóa chất trừ sâu (HCTS) là tên gọi dùng để chỉ các chất hóa học tổng hợp được dùng để phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo vệ cây trồng trong nông, lâm nghiệp và y tế. Nước ta là nước nông nghiệp, theo ước tính cả nước có trên 11 triệu người thường xuyên tiếp xúc với HCTS và số người nhiễm độc mạn tính ước khoảng 2,1 triệu người, một con số cần quan tâm.
Bệnh nhiễm độc hóa chất trừ sâu (HCTS) nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý xảy ra do ảnh hưởng, tác động của các loại HCTS lên cơ thể người tiếp xúc trong quá trình lao động, gây nên các rối loạn bệnh lý đặc trưng.
Việc sử dụng HCTS trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng nhiều, số người tiếp xúc với HCTS và có nguy cơ mắc bệnh cao như: Người lao động trong các ngành, nghề trồng trọt, nông, lâm nghiệp; cơ sở sản xuất HCTS; các cơ sở sang chai, đóng gói; bảo quản, kho tàng; vận chuyển; buôn bán HCTS….
Triệu chứng nhiễm độc thuốc trừ sâu
Một số nhóm HCTS được sử dụng nhiều ở nước ta là nhóm lân hữu cơ, nhóm clo hữu cơ, nhóm cacbamat, nhóm pyrethroid, trong đó nhóm lân hữu cơ và nhóm cacbamat được dùng phổ biến nhất.
Triệu chứng cường phó giao cảm như: buồn nôn, xanh xao, vã mồ hôi, chảy nước mắt, ứa nước bọt, chuột rút cơ bụng, co đồng tử, nhịp tim chậm, huyết áp hạ, tiết dịch kèm co thắt phế quản.
Triệu chứng nhiễm độc: co giật, co cứng cơ, chuột rút rồi liệt cơ, lan nhanh đến cơ hô hấp, lúc này nhịp tim nhanh, huyết áp tăng. Có biểu hiện của tổn thương thần kinh trung ương như nhức đầu, chóng mặt, lẫn lộn, hôn mê. Nhức đầu, nặng đầu, choáng váng, mệt mỏi, giảm trí nhớ, ăn, ngủ kém. Một số trường hợp rối loạn tinh thần, trí tuệ, giật nhãn cầu, viêm thần kinh, liệt các chi.
Bệnh lý mạn tính của nhiễm độc HCTS nghề nghiệp có thể gặp là các rối loạn cơ quan tạo huyết, thần kinh, ung thư, vô sinh hoặc gây dị tật ở trẻ sơ sinh, đột biến gen do phá hủy nhiễm sắc thể…
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm hóa chất trừ sâu, cần đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc, cởi bỏ quần áo thấm HCTS. Tiếp đến, phải lau rửa dạ dày dính HCTS bằng xà phòng. Nếu nhiễm đường tiêu hóa, rửa dạ dày, cho bệnh nhân uống nửa cốc dung dịch bicacbonat natri 2%, thêm 2-3 thìa than hoạt tính.
Hồi sức hô hấp: phải làm sớm trước khi dùng thuốc. Hô hấp nhân tạo bằng tay sau đó đặt nội khí quản và hô hấp hỗ trợ.
Tiêm atropin sunfat liều cao từ 2 – 4mg vào tĩnh mạch, cứ 20-30 phút lại tiêm 1 lần cho đến khi mặt đỏ, đồng tử giãn…
Biện pháp phòng bệnh
Công tác dự phòng nhiễm độc HCTS nghề nghiệp chủ yếu là đảm bảo an toàn-vệ sinh lao động trong tiếp xúc, quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến sử dụng HCTS và khám phát hiện sớm, điều trị kịp thời các rối loạn bệnh lý do nhiễm độc HCTS nghề nghiệp.
TS. Vũ Hồng Diệp ( Sức khỏe và Đời sống)

Xem thêm ...