Thực trạng công tác quản lý chất thải rắn y tế tại các trạm y tế xã ở Việt Nam



Chất thải y tế phát sinh từ cơ sở y tế bao gồm từ hoạt động y tế và hoạt động sinh hoạt của người bệnh và người nhà người bệnh. Theo thống kê của Cục quản lý môi trường y tế năm 2015, Việt Nam hiện có trên 13.500 cơ sở y tế y […]

Chất thải y tế phát sinh từ cơ sở y tế bao gồm từ hoạt động y tế và hoạt động sinh hoạt của người bệnh và người nhà người bệnh. Theo thống kê của Cục quản lý môi trường y tế năm 2015, Việt Nam hiện có trên 13.500 cơ sở y tế y tế bao gồm các bệnh viện từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh huyện và các bệnh viện tư nhân, các cơ sở y tế dự phòng làm phát sinh khoảng 590 tấn chất thải y tế/ngày và ước tính đến năm 2020 là khoảng 800 tấn/ngày. Chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại; trong đó chất thải y tế thông thường chiếm khoảng 80-90%, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Đây là một vấn đề sức khỏe môi trường, sức khỏe nghề nghiệp rất cần được quan tâm tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Công tác quản lý chất thải tại các cơ sở y tế ở nước ta trong những năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên các hoạt động đầu tư, tăng cường năng lực chủ yếu tập trung vào các bệnh viện tuyến huyện trở lên. Trong khi đó công tác này tại trên 11 000 trạm y tế tuyến xã vẫn còn chưa được quan tâm. Để có cơ sở cải thiện công tác quản lý chất thải y tế tại các trạm y tế xã, phường Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) đã tiến hành khảo sát thực trạng quản lý chất thải rắn tại 32 xã phường chọn ngẫu nhiên tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền ở Việt Nam năm 2015-2016. Cuộc khảo sát đã đưa ra được bức tranh mô tả tình trạng chung về quản lý chất thải tại các trạm y tế xã , phường ở nước ta.

  1. Thực trạng quản lý chất thải rắn y tế tại các TYT xã

Khác với đặc thù của các BV là tập trung vào hoạt động khám và điều trị, các TYT xã đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện chuỗi hoạt động dự phòng cho toàn bộ cộng đồng trên địa bàn, bên cạnh đó, vẫn đảm nhiệm vai trò là cơ sở khám chữa bệnh với trung bình 11-12 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Tất cả các hoạt động trên đều phát sinh CTRYT với khối lượng, chủng loại khác nhau, nhưng phổ biến nhất là chất thải lây nhiễm sắc nhọn và chất thảo thông thường. Lượng CTRYT phát sinh trung bình tại mỗi TYT là  1,5kg/ngày, trong đó có 0,3kg là chất thải nguy hại, thấp hơn nhiều so với tại các BV huyện và các BV tuyến tỉnh/thành phố và trung ương. Tuy ít như vậy nhưng tính chất nguy hại của chất thải y tế là giống nhau, hơn nữa, nếu nhân khối lượng này với con số 11104 TYT trong cả nước thì lượng chất thải này rất cần được quan tâm.

Công tác lập kế hoạch, phân công phụ trách, báo cáo, kiểm tra, giám sát

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế nói chung, CTRYT nói riêng tại các TYT xã phường, cũng như bất kỳ cơ sở y tế nào, cần thiết phải có kế hoạch cụ thể, phân công người phụ trách và có các hoạt động theo dõi, kiểm tra, báo cáo, cũng như có mục chi tài chính cho hoạt động này. Song, không có TYT nào tham gia nghiên cứu thực hiện đầy đủ các nội dung trên. Lý do mà đa số TYT đưa ra là không có mẫu kế hoạch nên các TYT còn lúng túng, chưa biết phải xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp; nếu có thì kế hoạch lập ra chỉ để báo cáo hoặc phục vụ đợt kiểm tra, còn việc thực hiện lại rất khác.

Việc không có mục chi tài chính, cũng như thiếu kinh phí sẽ gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện công tác QLCTRYT. Trong khi đó, khá nhiều hoạt động liên quan cần đến kinh phí, như mua túi, thùng đựng chất thải, đổ xăng để đi xe máy vận chuyển chất thải lên TTYT huyện, chi phí lò đốt rác. Nghiên cứu cũng cho thấy, 19/32 TYT không có mục chi tài chính cho công tác quản lý CTYT. Lý do chính thu được qua phỏng vấn sâu là TYT không có kinh phí riêng cho hoạt động này, kinh phí hàng năm thường do TTYT huyện cấp, hoặc TYT tự bỏ tiền ra chi rồi làm quyết toán báo cáo cho TTYT huyện để được chi trả. Cơ chế này khá bị động và gây nhiều khó khăn cho TYT.

Thực trạng này đã góp phần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch quản lý chất thải rắn y tế. Mỗi TYT cần chủ động xây dựng các mục tiêu, giải pháp, hoạt động, cũng như dự kiến nguồn lực (gồm cả nhân lực, vật lực và kinh phí) cho các hoạt động QLCTRYT. Các nội dung trong kế hoạch cần được xây dựng dựa trên tình hình thực tế tại trạm. Trong trường hợp, kinh phí hàng năm cho hoạt động không có, hoặc không đủ, ban lãnh đạo TYT cần chủ động xây dựng đề xuất xin kinh phí từ Ủy ban nhân dân xã/ phường hoặc TTYT huyện.

Công tác phân loại và thu gom CTRYT

Toàn bộ TYT trong nghiên cứu đã thực hiện phân loại CTRYT ngay từ nơi phát sinh. Không TYT nào có đủ bản hướng dẫn phân loại và thu gom chất thải ở nơi đặt dụng cụ đựng chất thải và phòng làm việc theo quy định. Lý do mà một số TYT đưa ra (chỉ được tuyến trên cấp cho một bản) chưa hợp lý, bởi lẽ, các TYT có đủ máy in và phô tô, việc tạo ra nhiều bản là hoàn toàn khả thi. Điểm này cho thấy sự thụ động trong công tác quản lý chất thải của các TYT xã,.

Việc phân loại, thu gom CTRYT tại các TYT bị hạn chế bởi sự thiếu trang thiết bị, dụng cụ như thùng, túi đựng chất thải; đồng thời, những dụng cụ hiện có đa số không đạt yêu cầu chất lượng theo quy định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ tính riêng về số lượng, có nhiều TYT không đủ túi và thùng đựng chất thải theo nhu cầu. Việc thiếu dụng cụ đựng chất thải có thể dẫn đến phân loại nhầm lẫn, làm gia tăng gánh nặng và mức độ nguy hiểm cho các khâu tiếp theo; hoặc không đảm bảo tần suất vận chuyển, lưu giữ đúng thời gian quy định do phải chờ đến khi đầy ắp túi/ thùng thì mới thay.

Không cơ sở y tế nào có túi, thùng đựng đúng quy định. Điều này là do các CSYT hoặc được cấp sẵn các dụng cụ này, hoặc chưa tìm được nguồn cung cấp túi đựng CTRYT đạt tiêu chuẩn nên phải mua loại túi bình thường ở chợ hoặc siêu thị, không rõ chất liệu, dễ ảnh hưởng đến việc sử dụng, như gây rò rỉ chất thải, phát tán ô nhiễm, hoặc khi đốt/chôn lấp sẽ không tiêu hủy được hoàn toàn hoặc tạo ra hơi khí độc gây ô nhiễm môi trường.

Trong những năm gần đây, việc thu gom và xử lý chất thải tái chế đang dần được quan tâm, không chỉ với ý nghĩa giảm thiểu gánh nặng cho việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường mà còn phần nào tạo nguồn thu cho hoạt động quản lý CTRYT của các cơ sở y tế. Việc thiếu các túi, thùng màu trắng thu gom riêng loại chất thải tại các TYT trong nghiên cứu này có thể là lý do dẫn đến việc phân loại và thu gom riêng chất thải tái chế chỉ đạt 9,4% (3 TYT). Tỷ lệ thu gom đúng thấp dẫn đến sự sai lệch ở các khâu tiếp theo, đặc biệt ở khâu xử lý, dễ bị lãng phí nguồn lực do bỏ lẫn chất thải tái chế vào chất thải cần xử lý. Đây là điểm cần lưu ý khắc phục trong công tác QLCTRYT hiện nay.

Ngược lại với thực trạng túi và thùng đựng chất thải, 100% các TYT nghiên cứu có đủ số lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng hộp đựng chất thải sắc nhọn. Qua phỏng vấn sâu và quan sát tại các TYT xã, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã cung cấp đầy đủ, thậm chí dư thừa hộp an toàn cho các TYT. Song, một số TYT chỉ được phép sử dụng hộp này cho hoạt động tiêm chủng, các bơm tiêm từ hoạt động khám chữa bệnh khác không được để vào, mặc dù thừa khá nhiều hộp an toàn. Có TYT phải đựng bằng thùng các – tông. Điểm bất cập này là một trong những lý do chính góp phần vào lỗi phân loại sai chất thải sắc nhọn với chất thải lây nhiễm không sắc nhọn. Thực hành sai này có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao cho nhân viên y tế nói chung và tai nạn nghề nghiệp do vật sắc nhọn cho cán bộ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Công tác vận chuyển và lưu giữ CTRYT

Việc vận chuyển chất thải trong các TYT được thực hiện tương đối tốt khi không có chất thải bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, các TYT chưa thực hiện đúng quy định về việc vận chuyển chất thải về nơi lưu giữ hàng ngày. Về việc lưu giữ chất thải, có 26/32 TYT phát sinh chất thải hóa học nguy hại nhưng không TYT nào có nơi lưu giữ riêng cho loại chất thải này. Tương tự với chất thải tái chế.

Theo quy định, khi vận chuyển CTRYT ra ngoài để đến nơi xử lý phải có phương tiện chuyên dụng. Tuy nhiên, thực trạng khảo sát tại 32 TYT xã, khá nhiều CBYT phàn nàn vì phải luân phiên cử người chở CTRYT lên TTYT huyện bằng xe máy. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan, kéo dài thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm, gây nguy cơ phát tán ô nhiễm (vi khuẩn phát triển, mùi hôi, chuột bọ đào bới…), mà còn tốn kém về kinh tế và đặc biệt là rất nguy hiểm cho các cán bộ, đặc biệt là nữ giới. Số liệu thống kê cho thấy, 17 TYT không có phương tiện, CBYT phải luân phiên nhau vận chuyển bằng xe máy cá nhân, ngay cả khi đi họp. Một số TYT cách xa trung tâm y tế huyện, như TYT Cam Hiệp Bắc – Khánh Hòa, chất thải buộc phải lưu lại tại TYT thời gian rất lâu để chờ đến dịp công tác.. Chưa nói đến việc mất thẩm mỹ, cách thức vận chuyển này chứa đựng nhiều rủi ro, từ sự lây nhiễm khi lưu giữ lâu chất thải, đến tính an toàn trong quá trình vận chuyển.

Công tác xử lý và tiêu hủy CTRYT

Xử lý và tiêu hủy là khâu cuối cùng trong chu trình QLCTRYT, có vai trò quyết định sự ảnh hưởng trực tiếp của các loại chất thải này tới môi trường, không chỉ tại TYT mà cả khu vực dân cư xung quanh. Hiện nay, nước ta đang áp dụng rất nhiều hình thức xử lý CTRYT khác nhau, tùy từng điều kiện mỗi địa phương, cũng như khối lượng và thành phần CTRYT. Công nghệ và giải pháp có thể khác nhau nhưng đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, không gây ô nhiễm. Tại Việt Nam, công nghệ lò đốt thủ công đang được nhiều trạm y tế cũng như cơ sở y tế khác áp dụng và đa số không đảm bảo tiêu chuẩn, tỏa nhiều khí thải ra môi trường, nhiệt độ không đạt, hiệu suất đốt không cao, không có khả năng triệt để xử lý yếu tố gây ô nhiễm.

Trong số 32 TYT thuộc nghiên cứu này, 19 TYT không thực hiện xử lý chất thải lây nhiễm mà chuyển cho đơn vị khác. Số còn lại có thực hiện xử lý ít nhất 1 loại chất thải. Chất thải lây nhiễm sắc nhọn và không sắc nhọn chủ yếu xử lý bằng phương pháp thiêu đốt trong lò thủ công (6/8 TYT), trong đó có 4 TYT xử lý đúng. Việc xử lý chất thải hóa học nguy hại, chủ yếu là các lọ kháng sinh thuộc chương trình phòng chống lao, tiêm chủng mở rộng… vẫn còn nan giải. Chỉ có duy nhất 1 TYT đã quan tâm và làm tốt công việc này. Kết quả này gợi ý các nhà quản lý cần quan tâm triệt để hơn tới công tác xử lý chất thải rắn tại các trạm y tế; kêu gọi đầu tư, phát minh và đưa vào ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải an toàn, rẻ tiền và dễ sử dụng.

  1. Kiến thức của các CBYT xã về QLCTRYT

Thông tin chung về CBYT

185 CBYT tham gia nghiên cứu này có hầu hết đặc điểm nhân khẩu học, chức danh chuyên môn và trình độ chuyên môn kỹ thuật, thâm niên công tác: khoảng 2/3 có độ tuổi dưới 40, khoảng 3/4 là nữ, trình độ trung cấp chiếm đa số (trên 80%), khoảng gần 1/3 có thâm niên công tác dưới 5 năm, 1/3 từ 5 đến 10 năm. Cán bộ tuyến xã trẻ trung, năng động có thể là lợi thế, nhưng đồng thời cũng hạn chế kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn, công tác, cần được tập huấn hướng dẫn và giám sát hỗ trợ thực hiện công tác thường xuyên.

Thực trạng CBYT được tập huấn về QLCTRYT

Đặc thù tại các trạm y tế xã, phường tại Việt Nam, cán bộ y tế thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc, cả dự phòng và điều trị, do nhân lực hạn chế. Do đó, mỗi cán bộ y tế cần phải biết, phải ghi nhớ và thực hành nhiều hoạt động khác nhau tại trạm để có thể luân phiên hoặc thay thế nhau, đảm bảo mọi công tác của trạm được tiến hành đầy đủ, ngay cả khi có cán bộ y tế vắng mặt. Công tác quản lý chất thải rắn y tế cũng vậy, tất cả cán bộ y tế tại mỗi trạm cần có đầy đủ kiến thức liên quan để có thể áp dụng thực hiện thường xuyên cũng như trong các trường hợp đột xuất.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về Quy chế quản lý chất thải y tế ngày 30/11/2007 và name 2015 đã cùng với Bộ tà nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Đây được coi như kim chỉ nam cho mọi nội dung, bước thực hiện quản lý chất thải, cũng như các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, vật chất, phương tiện và dụng cụ phục vụ cho từng bước. Do đó, để thực hiện QLCTRYT đúng theo quy định, các CBYT cần được tập huấn thường xuyên dựa trên nội dung văn bản này. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho biết, chỉ hơn nửa (52,4%) CBYT từng được tập huấn về QLCTRYT. Chính vì vậy, tỷ lệ CBYT tại 32 TYT không biết về các văn bản này khá cao: 30,3%; trong đó, có toàn bộ CBYT của TYT Tân Hiệp – Tp. Hồ Chí Minh và 5/6 người của TYT Phước Tiến – Khánh Hòa. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, 2 TYT này những năm gần đây không ai được tập huấn về quản lý chất thải y tế, mà chỉ nhận được bản hướng dẫn phát tay với nội dung tóm tắt, gửi về cho trạm.

Sự thiếu sót và hạn chế trong công tác tập huấn nêu trên có thể dẫn đến việc cán bộ quên cách thức thực hiện đúng, bởi họ phải nhớ rất nhiều nội dung chuyên môn do việc kiêm nhiệm trong phân công hoạt động. Đây có thể là tiền đề cho hành vi quản lý chất thải rắn y tế thiếu chính xác. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tìm hiểu một cách tương đối toàn diện các nội dung kiến thức của các cán bộ y tế, từ kiến thức cơ bản về quản lý chất thải rắn y tế, kiến thức về phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ cho đến khâu xử lý và tiêu hủy cuối cùng. Nhìn chung, giống với thực trạng tại nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như tại các cơ sở y tế tại Việt Nam nói chung, tại 32 TYT xã, phường được điều tra, kiến thức của cán bộ còn nhiều hạn chế. Cụ thể:

Kiến thức cơ bản về QLCTRYT

Kiến thức cơ bản về QLCTRYT được đánh giá qua hiểu biết của CBYT về khái niệm CTRYT, số loại CTRYT, tên của từng loại, khái niệm CTRYTNH, tên các loại CTRYTNH, quy trình các bước QLCTRYT và đối tượng có nguy cơ sức khỏe từ CTRYTNH. Kết quả phân tích cho thấy, chỉ 42,7% CBYT đạt các nội dung này. Tuy nhiên, 96,8% CBYT đã nhận thức rõ rằng toàn bộ CBYT, người nhà, bệnh nhân và nhân viên lao công trong TYT đều có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe bởi CTRYTNH. Kết quả này rất đáng ghi nhận, làm nền tảng tốt để các CBYT có ý thức cao hơn trong việc thực hiện quản lý CTRYT, phòng hộ cho bản thân và người xung quanh. Các chương trình can thiệp, đào tạo tập huấn trong tương lai có thể tận dụng điểm này để thay đổi mạnh mẽ ý thức, thái độ, từ đó thay đổi thực hành của cán bộ y tế để thực hiện quản lý chất thải rắn y tế tốt hơn.

Kiến thức về phân loại CTRYT

Kiến thức về phân loại gồm hiểu biết về người chịu trách nhiệm phân loại, thời điểm bắt đầu phân loại, nhận biết các loại chất thải và màu túi đựng tương ứng. Có tới 81,1% CBYT trong nghiên cứu này có kiến thức đạt về nội dung này. Tuy nhiên, nội dung rất quan trọng là nhận biết các loại chất thải để phân loại vào các dụng cụ đúng thì chỉ có khoảng 2/3 cán bộ y tế nắm được. Kết quả này gợi ý, các chương trình tập huấn trong tương lai cần áp dụng rộng rãi một số phương pháp giúp cán bộ y tế nhận diện được từng loại chất thải cụ thể, ví dụ như sử dụng hình ảnh, video, hoặc tham quan cơ sở thí điểm, làm mẫu để học viên quan sát và ghi nhớ tốt hơn.

Kiến thức về thu gom CTRYT

Kiến thức về thu gom CTRYT được đánh giá qua các nội dung: người chịu trách nhiệm thu gom; thùng đựng CTRYT; giới hạn tối đa cho phép của thùng đựng; tần suất vệ sinh thùng; tần suất thu gom và cách xử lý khi phân loại nhầm CTRYT thông thường và CTRYT nguy hại. Tỷ lệ CBYT đạt kiến thức thu gom CTRYT là 75,1%,. Trong đó, chỉ có 58,9% CBYT biết cách xử lý trường hợp phân loại nhầm chất thải lây nhiễm cao. Đây là kiến thức rất quan trọng, nhưng gần một nửa số CBYT không nắm được. Nếu áp dụng xử lý theo kiến thức hiện tại – lấy chất thải phân loại nhầm để lại vào dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm và thu gom xử lý như bình thường, việc lây nhiễm có nguy cơ cao xảy ra, đặc biệt nguy hiểm cho cán bộ thực hiện các khâu sau khâu phân loại. Đây cũng là một điểm cần được nhấn mạnh trong các chương trình tập huấn. Đồng thời, các TYT cần nghiêm túc thực hiện quy định về việc dán hướng dẫn phân loại, thu gom tại nơi đặt dụng cụ cũng như phòng làm việc để hạn chế tối đa việc phân loại nhầm, cũng như xử lý sai khi phân loại nhầm. Các bản hướng dẫn cũng cần chú ý bổ sung, bôi đậm những ghi chú quan trọng.

Kiến thức về vận chuyển, lưu giữ CTRYT

Nội dung đánh giá kiến thức về vận chuyển và lưu giữ CTRYT gồm: tần suất vận chuyển (hàng ngày), yêu cầu khi vận chuyển (vận chuyển riêng CTRYT thông thường và nguy hại, có đường vận chuyển và giờ vận chuyển được quy định rõ, túi chất thải được buộc kín khi vận chuyển), thời gian tối đa lưu giữ CTRYT (không quá nửa tuần), yêu cầu khi lưu giữ (lưu giữ riêng, cách xa nhà ăn, buồng bệnh tối thiểu 10m). Tỷ lệ cán bộ y tế đạt kiến thức về vận chuyển và lưu giữ CTRYT là 49,2%. Khi phân tích thực trạng vận chuyển và lưu giữ CTRYT tại các TYT trong nghiên cứu, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những yếu điểm trong hai khâu này xuất phát từ sự thiếu thốn cơ sở vật chất, phương tiện và sự thiếu thốn này bắt nguồn từ hạn chế về mặt tài chính. Tuy nhiên, khi xem xét ở góc độ con người, với tỷ lệ khá thấp CBYT đạt kiến thức về vận chuyển và xử lý CTRYT, phải chăng chính việc nhận thức kém, dẫn đến thiếu quan tâm và góp phần dẫn đến thực hành sai các quy định. Thực trạng nhiều trạm y tế không có kế hoạch và mục chi tài chính cho hoạt động này có thể do chính các cán bộ y tế, bao gồm các lãnh đạo TYT, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc QLCTRYT.

Kiến thức về xử lý và tiêu hủy CTRYT

Kiến thức về xử lý và tiêu hủy CTRYT được đánh giá qua hai nội dung chính là xử lý ban đầu (loại chất thải cần xử lý và cách xử lý) và yêu cầu trong xử lý, tiêu hủy CTRYT.  Tỷ lệ CBYT đạt kiến thức về nội dung này trong nghiên cứu là 43,8%. Thực trạng này gợi ý cho các nhà quản lý cần tập trung nâng cao kiến thức cho CBYT tại các TYT về nội dung xử lý và tiêu hủy CTRYT, để các khâu cuối cùng trong quy trình QLCTRYT này được thực hiện hợp lý, đúng quy định, giảm mức độ ô nhiễm môi trường.

Kiến thức chung về QLCTRYT

Tỷ lệ CBYT đạt kiến thức chung về QLCTRYT trong nghiên cứu này khá cao, 67,6. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ CBYT thuộc các TYT khu vực thành thị có kiến thức đạt cao hơn tỷ lệ CBYT thuộc các TYT khu vực nông thôn, nhưng không nhiều. Có thể lý giải kết quả này bởi sự tiếp cận thông tin dễ dàng hơn ở khu vực thành thị với đầy đủ các tiện nghi, internet, phương tiện truyền thông đa dạng hơn.

Ngoài ra, nhóm điều dưỡng, hộ lý, y công trong nghiên cứu này cũng có kiến thức tốt hơn nhóm bác sĩ, y sỹ, dược sĩ. Kết quả cũng hợp lý với công việc đảm nhận chính của hai nhóm đối tượng. Thường thì các điều dưỡng, hộ lý và y công trực tiếp thực hiện các hoạt động liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Điều dưỡng thường xuyên thực hiện hoạt động tiêm, thay băng. Hơn nữa, các TTYT cũng tập trung hơn đến đối tượng này trong công tác chỉ đạo cử người tham gia tập huấn.

Các yếu tố liên quan đến kiến thức của CBYT về QLCTRYT

Tập huấn là yếu tố liên quan quan trọng nhất đến kiến thức về QLCTRYT của CBYT tại 32 TYT xã trong nghiên cứu này. Kết quả đã chỉ ra mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức chung về QLCTRYT và việc tập huấn. Nhóm CBYT được tập huấn có kiến thức đạt cao hơn 8,5 lần so với nhóm chưa được tập huấn. Kết quả này khá dễ hiểu và cho thấy được tầm quan trọng của công tác đào tạo, tập huấn CBYT trong QLCTRYT. Trong Sổ tay Hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ-MT ngày 03/07/2014 của Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế) có riêng một chương 7 hướng dẫn rõ đối tượng, nội dung, cách thức tập huấn và truyền thông về QLCTRYT, cho thấy sự quan tâm của các nhà quản lý cấp trung ương trong công tác này. Tuy nhiên, thực trạng nhiều cán bộ y tế chưa từng được tập huấn lần nào cũng gợi ý công tác quản lý, rà soát danh sách cán bộ của từng trạm, lựa chọn đối tượng tập huấn cần được xiết chặt hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới tính và kiến thức về QLCTRYT của CBYT. Tỷ lệ CBYT nữ giới có kiến thức đạt về QLCTRYT cao hơn 2,1 lần so với CBYT nam giới . Sự khác biệt này có thể là do tỷ lệ cán bộ nữ giới được tập huấn cao hơn tỷ lệ cán bộ nam được tập huấn. Kết quả này gợi ý việc tăng cường tập huấn cho các cán bộ nam giới tại các TYT xã, phường trong công tác QLCTRYT.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga và ThS Tô Liên

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm ...