Cục Quản lý môi trường y tế 10 năm hình thành và phát triển
Trong những năm gần đây, việc hiện đại hóa, đô thị hóa phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong cộng đồng, nơi làm việc, làng nghề, cơ sở y tế ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân. Trước thực trạng trên, năm […]
Trong những năm gần đây, việc hiện đại hóa, đô thị hóa phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong cộng đồng, nơi làm việc, làng nghề, cơ sở y tế ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân.
Trước thực trạng trên, năm 2010, Chính phủ đã quyết định thành lập Cục QLMTYT với chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về các lĩnh vực: vệ sinh sức khỏe môi trường; vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; vệ sinh sức khỏe trường học; vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng chống tại nạn thương tích; quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Cục gồm Cục trưởng và 03 phó Cục trưởng, 3 phòng chuyên môn, Văn phòng Cục và một đơn vị trực thuộc Cục là Trung tâm thông tin môi trường y tế.
Trải qua một thập kỷ phát triển, Cục quản lý môi trường y tế khẳng định vai trò quan trọng trong tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Y tế, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân… nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn đã được Cục tham mưu, ban hành và chỉ đạo tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Có thể nói thành công lớn nhất của Cục Quản lý môi trường y tế trong 10 năm qua là việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường y tế đạt hiệu quả, đồng bộ các lĩnh vực từ tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý đến xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức thực hiện. Công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế đã đạt được những kết quả nhất định: Các văn bản chính sách về quản lý chất thải y tế, thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp đã cơ bản hoàn thiện; Trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác quản lý chất thải y tế được nâng cao, môi trường tại các bệnh viện đã sạch và đẹp hơn; tỷ lệ chất thải y tế tại bệnh viện được xử lý đạt 90%-95%; số cơ sở y tế loại khá và tốt về xanh- sạch- đẹp đạt 96%; nhà vệ sinh bệnh viện được cải thiện đáng kể, góp phần phòng, chống dịch bệnh và làm tăng sự hài lòng của người bệnh.
Thực hiện thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và thể hiện sự cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm thiểu chất thải nhựa trên toàn quốc nói chung trong đó có chất thải nhựa trong ngành y tế, Cục đã chủ động xây dựng và trình Bộ Y tế ban hành Chỉ thị về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Bộ Y tế cũng là Bộ đầu tiên ban hành và triển khai Chỉ thị về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế
Đoàn kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ
Là cơ quan đầu mối của Bộ Y tế triển khai Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, trong thời gian qua, Cục Quản lý môi trường y tế đã phối hợp với các Bộ Ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, Cục Quản lý môi trường y tế đã triển khai và duy trì hiệu quả hàng loạt phong trào, sự kiện môi trường quốc tế tại Việt Nam nhằm thu hút các tổ chức chính trị, xã hội, các cấp chính quyền cùng chung tay hỗ trợ người dân chủ động cải thiện môi trường sống trên phạm vi cả nước.
Mít tinh hưởng ứng ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân và ngày Mội trường thế giới năm 2020
Hưởng ứng Ngày nhà vệ sinh thế giới
Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 60% cuối 2010 lên 75% năm 2020. Đến đầu năm 2017, có 85,7% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 49% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tỷ lệ người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng tăng đáng kể.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt đã được sửa đổi thành một quy chuẩn áp dụng chung cho nước đô thị và nông thôn. Lần đầu tiên, thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương được giao cho cấp tỉnh.
Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế đã được thực hiện trong toàn ngành.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phát biểu tại Hội thảo Phổ biến, hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Song song với đó, Cục đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nông thôn và thanh tra về chất lượng nước; chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện tốt những nhiệm vụ vệ sinh phòng chống dịch bệnh.
Đoàn thanh tra của Cục Quản lý môi trường y tế
Các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong gia dụng và y tế được cắt giảm 53,6%; hệ thống quản lý đã được hoàn thiện và phân cấp rõ ràng từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống hành chính công trực tuyến mức độ 4 đã được áp dụng, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho trên 50 triệu người lao động và phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng đã được quan tâm đầu tư. Lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 trong đó giao cho ngành y tế chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.Chương trình chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động đã được Chính phủ phê duyệt để định hướng triển khai trong giai đoạn đến năm 2030. Môi trường lao động đã từng bước được cải thiện, số người lao động được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng gần gấp đôi.
Công tác chăm sóc toàn diện về an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế đã được tăng cường.
Là cơ quan đầu mối của Bộ Y tế trong công tác phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, Cục đã phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tỷ suất mắc và tử vong do tai nạn thương tích có xu hướng giảm; số cộng đồng an toàn được xây dựng đã đạt và vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao đến năm 2020 với 330 cộng đồng an toàn.
Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ ba về phòng, chống tai nạn thương tích
Hiện cả nước có gần 41.000 cơ sở giáo dục với trên 22 triệu học sinh, sinh viên. Trong những năm qua, Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn tổ chức hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe học sinh, sinh viên. Nhờ đó, công tác quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên, điều kiện vệ sinh trường học được cải thiện: trên 90% trường đảm bảo các điều kiện nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% trường lập hồ sơ quản lý sức khỏe học sinh; 67% học sinh được kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu năm học.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngay từ những ngày đầu, toàn thể cán bộ, công chức của Cục QLMTYT đã tích cực, chủ động và nỗ lực hết mình trong các hoạt động phòng, chống dịch. Đặc biệt, Cục đã tham mưu, ban hành, truyền thông, kiểm tra giám sát việc thực hiện hàng loạt các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho cộng đồng, nơi làm việc, trường học, quản lý chất thải, vệ sinh môi trường xử lý ổ dịch, các hướng dẫn cách ly y tế, xử lý thi hài người tử vong do mắc COVID-19.
Hiện nay nhiệm vụ quản lý môi trường y tế đứng trước những yêu cầu ngày càng cao và toàn diện hơn, vì vậy trong giai đoạn tới Cục Quản lý môi trường y tế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ đối tác trong và ngoài nước tập trung thực hiện đạt 06 mục tiêu chủ yếu: các vấn đề sức khoẻ môi trường do chất lượng nước, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu được thể chế hóa trong các luật và được quan tâm đầu tư tăng cường công tác y tế trường học và tổ chức trạm y tế gắn với y tế học đường; chất thải y tế tại cacs bệnh viện đạt quy chuẩn; 50% người lao động có nguy cơ được quản lý khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; chất lượng nước sinh hoạt được kiểm soát tại tất cả các đơn vị cung cấp nước; 85% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và 70% người dân được rửa tay với xà phòng nước sạch; phấn đấu quản lý và đảm bảo chất lượng ít nhất 80% hoá chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Đây là những nội dung sẽ góp phần vào việc thành công nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tặng Huân chương lao động hạng ba cho Cục Quản lý môi trường y tế
Với những nỗ lực và thành tích đã đạt được, Cục Quản lý môi trường y tế- Bộ Y tế đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận:
– Huân chương lao động hạng 3: 2017
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 2015, 2016, 2017
– Bổ sung số lượng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân
– Cờ thi đua của Chính phủ: 2017
Để đạt được những thành tích to lớn đó là nhờ Cục luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ Y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đoàn thể ,địa phương, các tổ chức trtrong và ngoài nướ. Đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng cống hiến hết mình của các thế hệ lãnh đạo, công chức và người lao động đã và đang công tác tại Cục trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.
10 năm – khoảng thời gian chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để Cục Quản lý môi trường Y tế khẳng định vai trò của mình trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn 19/05/2023
- Trao đổi triển khai kế hoạch công tác năm 2023 giữa Cục Quản lý Môi trường y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam 14/02/2023
- Kết quả thi tuyển vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức của Cục Quản lý Môi trường y tế năm 2022 18/01/2023