Cuộc họp “Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước ăn uống sinh hoạt”
Ngày 26/3/2015, tại Hà Nội diễn ra buổi làm việc“Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước ăn uống sinh hoạt” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì. Buổi làm việc được sự tài trợ của Bộ Ngoại […]
Ngày 26/3/2015, tại Hà Nội diễn ra buổi làm việc“Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước ăn uống sinh hoạt” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.
Buổi làm việc được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, với sự tham gia của các đại diện lãnh đạo và các đơn vị liên quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan và các đơn vị cấp nước 17 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế: Ngài Đại sự đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, đại diện Tổ chức Y tế thế giới, UNICEF, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, JICA, và các tổ chức chính phủ đang hoạt động và hỗ trợ trong lĩnh vực cung cấp nước sạch tại Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Ảnh. Một số hình ảnh tại Buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đơn vị tham gia đều nhận thức được tầm quan trọng của nước đối với sức khỏe, và việc đảm bảo cung cấp đủ số lượng và chất lượng nước cho ăn uống, sinh hoạt, chế biến thực thẩm tại đô thị và nông thôn đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và nhiều tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của đại diện Bộ Y tế, đến nay đã có khoảng 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, khoảng 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh trong đó 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chất lượng nước cấp tại nhiều nơi còn chưa đạt tiêu chuẩn, nhất là những cơ sở sản xuất nước nhỏ lẻ, trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao. Công tác nội kiểm chất lượng nước của các cơ sở cấp nước tập trung và công tác ngoại kiểm của trung tâm YTDP một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định hiện hành, nhiều nơi chưa giám sát được chất lượng nước khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh, kiểm tra chất lượng nước, thiếu kinh phí, năng lực phòng thí nghiệm và năng lực cán bộ làm công tác giám sát, xét nghiệm nước còn hạn chế.
Với mục tiêu tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong giám sát chất lượng nước ăn uống, buổi làm việc diễn ra với sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận và đề xuất cởi mở của các Bộ, ban, ngành có liên quan để cùng tiến tới xây dựng một cơ chế phối hợp liên ngành y tế, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường phù hợp và có hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh và đặt câu hỏi về vấn đề truyền thông tới cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch và giám sát chất lượng nước; cũng như thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cấp nước và kiểm định chất lượng nước. Tuy nhiên, một số ý kiến của đại biểu đến từ Bộ Xây dựng đưa ra rằng các chi phí hiện đang được tính vào giá nước trong khi đó giá nước hiện nay chưa khuyến khích Doanh nghiệp tư nhân tham gia. Giá tiêu thụ nước sạch được tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ nhưng còn thấp, chưa gồm đầy đủ chi phí đảm bảo cấp nước an toàn. Các đại biểu cũng đưa ra ý kiến rằng các vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn, các văn bản cần được rà soát và nghiên cứu bổ sung, đặc biệt là Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT. Tuy nhiên việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với tình hình quản lý nguồn nước và năng lực xử lý của các cơ sở cấp nước tập trung do hiện nay việc ô nhiễm nguồn nước do hóa chất bảo vệ thực vật, chất thải đang là vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam. Vấn đề đảm bảo chất lượng cấp thoát nước, chất lượng đường ống, đấu nối, chất lượng trạm cấp nước có quy mô nhỏcũng là một trong những vấn đề cần cải thiện. Bên cạnh đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử phạt nghiêm các cơ sở cấp nước tập trung không đảm bảo chất lượng nước cấp, chưa thực hiện tốt chế độ nội kiểm chất lượng nước theo quy định. Các đại biểu cũng đề nghị cần có quy chế, cơ chế đẩy mạnh tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng nước.
Đồng thời, tại buổi làm việc, các đại diện của nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đã giới thiệu về khung chính sách toàn cầu về đảm bảo an toàn nước ăn uống, sinh hoạt và các kinh nghiệm triển khai trên toàn thế giới, nhằm giúp cho các cơ quan ban ngành của Việt Nam có thể học hỏi, rút kinh nghiệm và thực hiện triển khai. Các đại biểu Bộ, ban, ngành tham dự cũng bày tỏ mong muốn sự tham gia, hỗ trợ tích cực hơn từ các tổ chức quốc tế về chi phí, kỹ thuật cũng như nhân lực.
Buổi làm việc diễn ra đã nhận được sự tham gia cởi mở, thẳng thắn và đã chỉ ra rõ một số vấn đề chính, chủ yếu, cần thiết phải làm để hỗ trợ tăng cường công tác phối hơp liên ngành và hợp tác quốc tế trong kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống sinh hoạt.
Bài và ảnh: Cục QLMTYT
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn 19/05/2023
- Trao đổi triển khai kế hoạch công tác năm 2023 giữa Cục Quản lý Môi trường y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam 14/02/2023
- Kết quả thi tuyển vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức của Cục Quản lý Môi trường y tế năm 2022 18/01/2023