Dịch đau mắt đỏ hoành hành



Khoảng 2 tuần trở lại đây bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch tại TP.HCM và Hà Nội. Mỗi tuần, có hàng ngàn trường hợp bị nhiễm bệnh đến khám tại các bệnh viện Mắt. Vốn rất dễ lây lan và gây đau nhức, khó chịu cho người nhiễm bệnh, đau mắt đỏ đang khiến nhiều gia đình “khốn khổ”.

Dịch đau mắt đỏ thường xảy ra từ tháng 4 – 7 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh đến đầu tháng 9 mới bắt đầu lây lan. Hiện bệnh đang bùng phát cả ở TP.HCM và nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng.

Bùng phát mạnh

Vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 bệnh đau mắt đỏ bắt đầu xuất hiện và dần lây lan tại TP.HCM. Đến nay, bệnh đã lan nhanh thành dịch và chưa có dấu hiệu suy giảm. Tại bệnh viện Mắt TP.HCM, trong tuần đầu tháng 9, số người đến khám đau mắt đỏ đỏ là 1.100, tương đương với số bệnh nhân đến khám trong cả tháng 8, các phòng khám mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 8-20 ca nhiễm bệnh.

Tại miền Bắc và chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đau mắt đỏ cũng đang lây lan mạnh. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Mắt trung ương tiếp nhận từ 1.500-2.000 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân bị đau mắt đỏ chiếm khoảng 20% tương đương từ 3.00-400 bệnh nhân/ngày.

Đau mắt đỏ đã xuất hiện ở hầu hết các trường học tại TP.HCM. Chỉ cần lớp học có 1 học sinh bị đau mắt là kéo theo vài ba em khác bị lây. Những học sinh này lại tiếp lục lây bệnh cho nhiều người thân trong gia đình. Hiện nhiều trường đã cho những học sinh bị bệnh đau mắt đỏ nghỉ học để tránh bệnh lây lan cho những em khác.

Các trường học ở Hà Nội cũng đã hướng dẫn học sinh cách phòng tránh đồng thời gửi thông báo khuyến cáo về cho phụ huynh để có cách phòng bệnh.

Tại nhiều chung cư, các bậc phụ huynh cũng lo lắng con có thể lây bệnh nên kiến nghị với bảo vệ “canh” không cho trẻ bị đau mắt đỏ xuống sân chơi hoặc không cho phép con cái ra ngoài chơi như trước để tránh lây bệnh.

Nhiều văn phòng làm việc tình trạng cũng không khá khẩm hơn. Một người bị đau mắt là kéo theo cả văn phòng chịu khổ. Nhiều người đã phải nghỉ làm cả tuần để tránh việc lây bệnh cho các đồng nghiệp. Thậm chí nhiều cơ quan, tòa nhà đã ra quy định: “Những người đau mắt đỏ không cần (không được phép) đến làm việc” để tránh bệnh tiếp tục lây lan.

Cơ chế nhiễm bệnh

Bệnh đau mắt đỏ phần lớn do virus Andennovirus gây nên, lây lan khá nhanh và thông thường từ 7 – 14 ngày sẽ tự hết. Nếu sau 1 tuần bệnh không giảm, nên đi khám lại vì có một số ít trường hợp bị biến chứng phần giác mạc (tròng đen) và gây ra hiện tượng giảm thị lực ở người mắc bệnh.

Khi đã mắc bệnh, người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn. Đặc biệt bệnh nhân bị đau mắt đỏ không nên tự pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ nước muối không phù hơp có thể gây bỏng rát mắt. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ.

Điều cần chú ý là dù cả gia đình đều bị mắt đỏ nhưng cũng không được dùng chung thuốc nhỏ mắt.

PGS.TS.BS Trần Anh Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, bệnh đau mắt đỏ lây lan khi tiếp xúc không khí, nói chuyện với người bệnh. Vì vậy, cần hạn chế đến những nơi đông người, vì có những người đã nhiễm nhưng chưa phát bệnh. Khi có người bệnh trong gia đình nên cách ly, nhỏ nước muối sinh lý trong khi chưa đi khám. Nếu mắt mờ dần thì phải khám ngay để có thuốc đặc trị, tránh gãi hay dụi mắt vì sẽ làm cho nhiễm trùng và lây lan ra thêm.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh không nên tự tiện dùng thuốc hoặc tự chữa với mẹo xông mắt bằng lá trầu không, bạc hà… sẽ khiến bệnh nặng thêm. Đặc biệt mới đây đã có những trường hợp bệnh nhi mù mắt vì nhầm tưởng giữa bệnh đau mắt đỏ với bệnh viêm nội nhãn vì có những triệu chứng tương tự nhau.

Ngân Hà

Theo Tri Thức Trẻ

Xem thêm ...