Đuối nước ở trẻ em vào mùa hè: Thực trạng và nguyên nhân



Đuối nước – Hiểm họa và thực trạng

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nước ta có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đặc biệt, tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng mạnh vào mùa hè và mùa mưa lũ.

Trong suốt giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014, trên báo chí, những thông tin về tai nạn đuối nước của trẻ em liên tục được cập nhật. Theo thống kê, chỉ trong vòng 3 tháng, số vụ tử vong do đuối nước được cập nhật trên báo chí là hơn 50 vụ. Trong đó, 65% trên tổng số vụ có nạn nhân là trẻ em ở độ tuổi từ 3 – 13 tuổi. Điển hình như vụ tai nạn của 2 chị em (12 và 13 tuổi) ngày 30/7 tại sông Cửa Sót, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, hai chị em đi tắm sông đã gặp phải vùng nước xoáy, dẫn đến cả 2 em đã bị đuối nước thương tâm. Hay như vụ tai nạn đuối nước của 4 em học sinh (lớp 7 đến lớp 9) của trường THCS Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh diễn ra vào chiều ngày 21/6, khi đó cả 4 em rủ nhau ra khu vực sông Đào để đi bắt hàu, tuy nhiên cả 4 em bị trượt chân rơi xuống sông. Do không biết bơi nên cả 4 em đã bị chết đuối. Vụ tai nạn thương tâm khác cũng đã xảy ra tại bãi biển Nghi Quang, Nghệ An, trong 2 ngày 22 – 24/5, đã có 4 em học sinh chết đuối trong khi đang tắm mát cùng bạn bè. Có thể thấy các vụ tai nạn đuối nước xảy ra liên tục trong mùa hè, khi nhu cầu được tắm mát, hạ nhiệt của các em tăng cao.

Một điều đáng chú ý từ các vụ tai nạn đuối nước diễn ra trong 3 tháng hè qua, phần lớn các vụ tai nạn (44%) diễn ra có địa điểm tại các biển, sông, hồ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Quảng Ngãi.


Hình: Tình hình chết đuối ở trẻ vào mùa hè gia tăng (sưu tầm)

Nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu do các nguyên nhân: sự bất cẩn của người lớn, môi trường sống xung quanh trẻ không an toàn, và đuối nước do trẻ không biết bơi, chưa được rèn các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi tắm biển, sông, hồ còn hạn chế.

Trong suốt 3 tháng hè, các vụ tai nạn đuối nước diễn ra do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa này chiếm 33% trên tổng số vụ tai nạn. Đa số, các em học sinh rủ nhau đi tắm biển, sông, hồ mà thiếu sự giám sát của người lớn. Sự thiếu cẩn thận, trong khi vui chơi, hoặc phụ giúp gia đình ra đồng, sông suối mò cua, bắt hàu… dễ xảy ra tình trạng trượt chân xuống ao, hồ, sông, suối, hố sâu… khiến các em không phòng bị kịp thời để xảy ra tình trạng thương tâm.

Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh. Trường hợp điển hình diễn ra ở Ninh Thuận, ngày 27/5, bé trai 8 tuổi bị chết đuối do đi múc nước ở giếng. Do đó, tại các khu vực có hố nước sâu, giếng, ao trong nhà, trong sân… cần phải có rào chắn an toàn hoặc nắp đậy để tránh trường hợp xấu xảy ra với trẻ nhỏ. Đối với các khu vực là biển, sông sâu, hay có sóng to, chính quyền địa phương nên có sự trang bị các biển cấm, hoặc biển cảnh báo nguy hiểm, để tránh tình trạng trẻ bơi vào các khu vực nước xoáy, sâu.

Tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, thì do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên. Hiện nay, ở các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi – những nơi có tỷ lệ đuối nước ở trẻ em vào mùa hè cao, các em đều được học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao, biển tắm, mà thiếu những kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản như khởi động trước khi xuống bơi,… nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường thấy lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong. Thêm vào đó, các em cũng cần phải được nhắc nhở nên tránh xa các khu vực bãi bồi dễ sụt lún, các khu vực có nước chảy xiết vào từng thời điểm, và đặc biệt phải luôn lưu ý đến các biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trên hết, để hạn chế mức thấp nhất những tường hợp trẻ em bị đuối nước, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình cần phải nâng cao truyền thông, giáo dục về kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức và trẻ em trong việc phòng chống đuối nước.

Ngọc Cao

Xem thêm ...