Hội nghị tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế trực thuộc Bộ



Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATLĐ, VSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhằm triển khai có hiệu quả công tác này trong toàn ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 549/KH-BYT hướng dẫn

TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phát biểu khai mạc hội nghị

Để đánh giá những việc đã làm được, những việc còn hạn chế trong công tác ATLĐ,VSLĐ mà đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế, trong hai ngày 08-09 tháng 10 năm 2015 tai thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ATLĐ,VSLĐ và huấn luyện định kỳ về ATLĐ,VSLĐ cho các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Tham dự hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo, đồng chí Ủy viên ban chấp hành Công đoàn cơ sở, thành viên Hội đồng bảo hộ lao động của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, cùng GS Chia Sin Eng và GS. Wagner Norbert Đại học Quốc gia Singapore. Chủ trì hội nghị có tiến sỹ Lương Mai Anh, phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam. Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Lương Mai Anh đã nêu “Ngành Y tế là một ngành lao động đặc thù, với lực lượng lao động nữ chiếm gần 65%, có nhiều nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm, nhân viên y tế phải thường trực cấp cứu 24/24 giờ, thường xuyên làm việc làm thêm giờ do thiếu nhân lực, vì thế có tới 54,5% nhân viên y tế hệ điều trị có biểu hiện stress nghề nghiệp. Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố tác hại có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, hầu hết các bệnh viện đều có chỉ số vi sinh vật không đạt tiêu chuẩn theo khuyến cáo, trên 50% mẫu đo vi sinh vật không đạt tiêu chuẩn; Bên cạnh những tác hại lây nhiễm, nhân viên y tế phải tiếp xúc với rất nhiều tác hại không lây nhiễm, bao gồm các hóa chất, những tác hại của yếu tố vật lý như nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, siêu âm…. Ngoài các yếu tố ảnh hưởng đến thể chất, nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc căng thẳng trong thời gian dài, cùng với sự gia tăng về bạo hành của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân. Trong khi đó, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều hạn chế”.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác ATLĐ,VSLĐ đơn vị trực thuộc Bộ Y tế năm 2015

Theo báo cáo tổng kết trong năm 2015, số đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ chiếm 96,1%; số người lao động được khám sức khỏe là 22.637 người đạt 76,8%, trong đó người lao động có sức khỏe loại I chiếm 32,8%, loại II chiếm 48,2%, loại III chiếm 12,3%, loại IV chiếm 4,5% và loại V chiếm 2,2%. Số đơn vị có tai nạn rủi ro nghề nghiệp chiếm 19,6% với 89 vụ và 89 người bị nạn. Số người bị tai nạn do vật sắc nhọn chiếm tỷ lệ rất cao 75,2%; do máu, dịch tiết của bệnh nhân bắn vào da, niêm mạc chiến tỷ lệ 21,3%, còn các nguyên nhân khác chiếm 3,5%. Có 31 người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp; Việc đo, kiểm tra môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc đã được các đơn vị tổ chức thực hiện (đạt 70,6), việc lập Hồ sơ vệ sinh lao động đạt 66,7%; kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động có 10,3% số mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép;

Cũng theo báo cáo tổng kết, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động vẫn còn nhiều hạn chế, một bộ phận Cấp ủy, chính quyền tại đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác ATLĐ,VSLĐ; Chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về ATLĐ,VSLĐ, mà cụ thể là cập nhật, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATLĐ,VSLĐ chưa thường xuyên, không kịp thời; huấn luyện ATLĐ,VSLĐ tại các đơn vị còn rất yếu, nhiều đơn vị chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, số người lao động được huấn luyện còn thấp,…

GS. Wagner Norbert- Đại học Quốc gia Singapore giới thiệu mô hình chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế toàn diện

Để tiếp tục phấn đấu cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế ngày một tốt hơn theo tinh thần của Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư Trung ương, TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng đã yêu cầu các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị phối hợp với tổ chức Công đoàn cơ sở rà soát và tổ chức các hoạt động về ATLĐ,VSLĐ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế, cụ thể: (1) Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 549/KH-BYT giai đoạn 2016-2020; Định kỳ tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch 549/KH-BYT và báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) theo quy định; (2) Triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị; (3) Chuẩn bị các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 18 năm 2016 tại các đơn vị trong ngành Y tế; (4) Các đơn vị chủ động xây dựng Kế hoạch bảo hộ lao động, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác tự kiểm tra tại các khoa, phòng, bộ phận tại đơn vị; (5) Chủ động rà soát nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại nguy hiểm để đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Hy vọng rằng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong ngành y tế ngày càng được cải thiện.

ThS. Nguyễn Quảng Thức
Cục Quản lý môi trường y tế

Xem thêm ...