Những quy định mới của Ấn độ về quản lý chất thải y tế



Quy chế Quản Lý Chất Thải Y Sinh 2016 của Bộ Tài nguyên và Rừng Ấn Độ “sẽ thay đổi phương thức mà đất nước này đã sử dụng để quản lý chất thải y sinh” và “tạo nên một sự khác biệt lớn đối với Sứ Mệnh vì Ấn Độ Sạch” , Bộ trưởng […]

Quy chế Quản Lý Chất Thải Y Sinh 2016 của Bộ Tài nguyên và Rừng Ấn Độ “sẽ thay đổi phương thức mà đất nước này đã sử dụng để quản lý chất thải y sinh” và “tạo nên một sự khác biệt lớn đối với Sứ Mệnh vì Ấn Độ Sạch” , Bộ trưởng liên bang về Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Prakash Javadekar mới đây đã nói như vậy khi công bố quy chế.

“Theo quy chế mới thì độ bao phủ sẽ tăng lên và nó cũng quy định tiền xử lý chất thải phòng xét nghiệm, mẫu máu … Nó bắt buộc có các hệ thống mã hóa để kiểm soát tốt hơn. Nó đơn giản hóa việc phân loại và cấp phép” Ông Javadekar nói thêm.
Để hiểu các quy định mới được đổi mới so với dự thảo 2011 chúng ta phải biết rõ cả toàn bộ hệ thống quản lý chất thải y sinh. Các cơ sở y tế phải phân loại chất thải y sinh tại nơi phát sinh (chất thải bao gồm chất thải chẩn đoán, điều trị và tiêm phòng như chất thải giải phẫu người và động vật, các trang thiết bị chữa bệnh như kim tiêm và bơm tiêm, các chất hóa trị liệu) để trong các túi có màu vàng, đỏ, xanh, trắng và đen tùy theo loại chất thải y sinh. Họ có thể lưu giữ chất thải đó tới 48 giờ sau khi xử lý tại chỗ hoặc do công nhân của công ty xử lý chất thải y sinh tập trung đến mang đi. Sau đó công ty xử lý chất thải sẽ xử lý theo màu của túi. Các màu khác nhau yêu cầu được xử lý theo các cách khác nhau – thiêu đốt, chôn lấp sâu, hấp, nghiền nát, xử lý bằng hóa chất, tiêu hủy tại bãi chôn lấp vvv.
Một sự khác biệt trước tiên giữa các quy định mới so với quy định năm 2011 là ở quy mô áp dụng. Trong khi năm 2011, các quy định năm 1998 áp dụng chung cho các đối tượng bao gồm toàn bộ những người phát sinh chất thải, thu gom, tiếp nhận, lưu giữ và vận chuyển chất thải y sinh thì Quy chế 2016 phân biệt rõ hơn bằng cách phân loại ra các trại tiêm chủng, trại hiến máu, trại phẫu thuật và tất cả các loại cơ sở y tế khác đều được đưa vào.
Điều khác biệt thứ hai là ở sự phân loại, đóng gói và vận chuyển chất thải y sinh ở một cơ sở y tế. Bản dự thảo năm 2011 chia chất thải thành 8 loại (quy đinh của năm 1998 là 10 loại ). Quy chế năm 2016 giảm xuống còn 4 loại. “Việc giảm bớt loại chất thải không có nghĩa là một số chất thải y sinh cụ thể nào đó đã bị bỏ đi mà tất cả các loại chất thải được gộp vào 4 loại cho dễ phân loại ở cơ sở y tế”, nhà quản lý chương trình Tripti Arora của công ty phi lợi nhuận Toxics Link nói.
Quy chế mới cũng phân định rõ nhiệm vụ của một cơ sở y tế gắn với quy định phân loại, đóng gói, và vận chuyển chất thải y sinh. Cơ sở y tế bây giờ chịu trách nhiệm tiền xử lý các chất thải y sinh và phòng xét nghiệm, các mẫu máu và các túi máu thông qua tiệt trùng, khử trùng tại chỗ theo quy định của WHO hoặc Tổ chức Kiểm soát AIDS quốc gia (NACO), bất kể việc xử lý cuối cùng được thực hiện tại cơ sở hay ở các trạm xử lý chất thải tập trung .Việc sử dụng các túi nhựa, găng tay và túi máu PVC tại tất cả các cơ sở y tế phải được loại trừ trong vòng hai năm nhằm chấm dứt phát thải dioxins và furans do thiêu đốt chúng. Quy chế mới cũng quy định phải có hệ thống mã vạch cho túi/hộp đựng chất thải y sinh và thực hiện tiêm phòng cho nhân viên y tế khi mới vào làm việc và sau mỗi một năm công tác.
“Hệ thống mã vạch có thể được sử dụng để theo dõi và phân lập các túi tốt hơn. Nhưng nó có thể có hiệu quả khi mà bổn phận sử dụng mã vạch thuộc về các đơn vị xử lý chất thải y sinh tập trung (CBMWFs), chỉ khi nào mà các đơn vị đó có thể cung cấp túi rác cho các bệnh viện. Điều này chưa xẩy ra ngay được”, Ông Prem Agrawal từ Hiệp hội chất thải rắn quốc gia Ấn Độ (NSWA), một chuyên gia nghiên cứu môi trường độc lập bình luận.
Quy chế mới cũng quy định rõ nhiệm vụ của người vận hành của đơn vị xử lý chất thải y sinh tập trung CBMWF. Thêm vào nhiệm vụ chuyên trách một cơ sở y tế, người vận hành của CBMWF phải kịp thời thu gom chất thải y sinh của các cơ sở y tế và hỗ trợ họ trong việc đào tạo.
Một điều khác biệt nữa nằm trong xử lý và tiêu hủy chất thải y sinh. Theo dự thảo 2011 thì mỗi một cơ sở y tế sẽ được yêu cầu phải bố trí cơ sở xử lý chất thải y sinh như lò đốt, lò hấp, lò vi sóng hoặc phải đảm bảo theo yêu cầu xử lý chất thải tại cơ sở xử lý tập trung. Dự thảo này không nói rõ khi nào thì cần xử lý tại chỗ, khi nào phải đưa đi xử lý tập trung. Nó cũng không nói rõ ai sẽ cấp đất cho cơ sở xử lý chất thải y sinh tập trung. Quy chế 2016 có hướng dẫn cụ thể. Sở quản lý đất đai của bang sẽ cấp đất cho cơ sở xử lý chất thải tập trung nhưng không một chủ cơ sở y tế nào được quyền bố trí cơ sở xử lý chất thải tại chỗ nếu như có đơn vị xử lý tập trung nằm trong bán kính 75 km. Quy chế mới cũng có quy định khắt khe hơn về phát thải của lò đốt: năm 2011 mức trần bụi lơ lửng là 150 mg/Nm3 tại 12% điều chỉnh CO2. Quy chế mới giảm xuống 50 mg/Nm3. Tương tự, thời gian lưu cháy chuẩn trong buồng thứ cấp đã tăng từ 1 giây lên 2 giây. Buồng đốt thứ cấp trong lò đốt là nơi mà nhiệt độ hạ thấp xuống từ 100 đến 200 độ C. “Đó là để giảm phát thải dioxin và furan vì trong nhiệt độ thấp việc đốt cháy chất thải y sinh dẫn tới việc tạo ra các bon di-o-xit (CO2) và nước. Dioxin và furan được sinh ra ở nhiệt độ trên 600 độ C”. Ông Arora nói.
Tiếp theo, quy chế mới đặt ra các tiêu chí mới để cấp phép cho một cơ sở y tế. Năm 1998, luật quy định rằng các bệnh viện trên 1000 giường phải có giấy phép từ Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm bang (SPCBs), trong khi dự thảo năm 2011 mở rộng giới hạn các đơn vị đến toàn bộ các cơ sở y tế được yêu cầu phải làm thủ tục cấp phép. Quy chế mới quy định thủ tục cấp phép rất đơn giản. Các bệnh viện có giường bệnh tự động được cấp phép còn các cơ sở không có giường bệnh sẽ được cấp phép một lần…
“Các cơ sở không có giường bệnh cơ bản là các phòng khám quy mô nhỏ nên không có sổ theo dõi lượng chất thải phát sinh và số giường bệnh. Vì vậy chúng không thể được quy định trả phí xử lý chất thải theo giường bệnh. Do đó chúng được cấp phép một lần và định mức trả phí xử lý chất thải luôn theo hàng năm/nửa năm/hàng quý”. Ông Agrawal nói.
Một sự cải tiến nữa trong quy chế mới là ở bộ phận quan trắc. Trong khi dự thảo năm 2011 không có quy định về quan trắc thì quy chế năm 2016 quy định rằng Bộ Môi trường và Rừng sẽ rà soát các cơ sở y tế mỗi năm 1 lần thông qua ngành y tế, Ủy ban kiểm soát ô nhiễm bang (SPCB) và Ủy ban kiểm soát ô nhiễm quốc gia (CPCB). Đến lượt mình CPCB sẽ giám sát hoạt động thông qua các ban quan trắc cấp huyện báo cáo lên Ban tư vấn cấp bang hoặc lên SPCB. Hơn nữa, theo quy chế mới thì các ban tư vấn về quản lý chất thải y sinh nay được quy định phải họp cứ nửa năm một lần.
Tổng chất thải y sinh phát sinh cả nước Ấn Độ là 484 tấn một ngày từ 168 869 cơ sở y tế. Trong đó chỉ có 447 tấn được xử lý trước khi tiêu hủy. Vấn đề tiêu hủy cũng đa dạng vì 85% chất thải bệnh viện là không nguy hại, còn lại 15 % là lây nhiễm/nguy hại. Sự trộn lẫn với chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường và biến tất cả chất thải đó thành chất thải nguy hại. Do vậy cần có sự phân loại và xử lý. Sự tiêu hủy không đúng làm tăng nguy cơ lây nhiễm, khuyến khích hiện tượng tái chế các chất thải bị cấm, các thuốc chữa bệnh và tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn.
Huy Nga
https://www.downtoearth.org.in/news/health/new-rules-for-biomedical-waste-management-released-53330

Xem thêm ...