Những tác động tới sức khoẻ của biến đổi khí hậu



Biến đổi khí hậu xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động mạnh mẽ đến sự sống trên trái đất. Biến đổi khí hậu làm tăng thiên tai, thảm hoạ, bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần. Động đất, lũ lụt có chiều hướng gia tăng. Gần đây nhất, tháng 3 năm 2011 động đất xảy ra ở Nhật Bản làm cho hàng nghìn

Năm 2012 ở nước ta đã xảy ra bão, lũ lụt, ngập úng do mưa to và nhiều, gây thiệt hại rất lớn về người và hoa màu trong phạm vi cả nước, điển hình như cơn bão số 8 đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 28/10/2012, bão liên tục thay đổi về cường độ và hướng đi gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống. Bão, lũ lụt làm cho môi trường bị ô nhiễm, phân và rác gây ô nhiễm nguồn nước đồng thời là môi trường lý tưởng để ruồi, muỗi phát triển, tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm bùng lên thành dịch lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ con người.

Khí hậu biến đổi có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống và sức khoẻ cộng đồng ở mọi quốc gia. Việt Nam là một nước nhiệt đới có bờ biển dài và phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng. Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ con người thông qua mối quan hệ trao đổi vật chất giữa cơ thể người với môi trường xung quanh, dẫn đến những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích nghi và những phản ứng của cơ thể đối với các tác động đó. Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng, gây nên những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với những người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh… Tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H5N1, Tay chân miệng, tiêu chảy, dịch tả… Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve). Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới (sốt rét, sốt Dengue, dịch hạch, dịch tả), xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1), thúc đẩy quá trình đột biến của virut gây bệnh cúm A/H1N1, H5N1 nhanh hơn. Các hoạt động của con người đã gây biến đổi hệ sinh thái cả ở trên cạn và dưới nước, phát thải khí nhà kính ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu của xu thế ấm lên toàn cầu, tầng ozon bị phá huỷ dẫn đến sự tăng cường độ bức xạ tử ngoại trên mặt đất, là nguyên nhân gây bệnh ung thư da và các bệnh về mắt.

Mưa bão gây ngập úng cục bộ, làm gãy đổ cây cối làm giao thông bị đình trệ

Các hoạt động của con người như chặt phá và khai thác rừng bừa bãi, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không có kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường, phá huỷ cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. Ở nước ta, nhiều nơi rừng bị phá huỷ, tài nguyên thiên nhiên bị đào bới không theo quy hoạch, đất bị xói mòn, thoái hoá, dẫn đến lũ lụt, đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ và cuộc sống của nhân dân.
Các chất thải cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường, hiện nay, ở nước ta chất thải đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, chất thải đang hàng ngày hàng giờ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Chất thải được chia làm 3 loại: chất thải công nghiệp, chất thải y tế và chất thải sinh hoạt. Chất thải công nghiệp là những chất thải do nhà máy, xí nghiệp thải ra trong quá trình hoạt động như axit, kiềm, hoá chất độc của nhà máy hoá chất gây ô nhiễm đất và nguồn nước (thí dụ điển hình là chất thải của công ty sản xuất bột ngọt Vedan), bụi của các xí nghiệp sản xuất xi măng, chất thải trong giao thông vận tải (khói ô tô, xe máy) gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Chất thải y tế là các loại chất thải phát sinh trong các cơ sở y tế do các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, phòng bệnh và nghiên cứu (bao gồm các chai lọ, ống nghiệm, bơm kim tiêm, dao mổ, băng gạc, các dung dịch, hoá chất dùng để xét nghiệm, khử trùng, đặc biệt các chất thải y tế nguy hại như máu, dịch cơ thể, chất bài tiết của bệnh nhân truyền nhiễm, bơm kim tiêm và các vật sắc nhọn như dao, kéo dùng cho bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, các dược phẩm, hoá chất và các chất phóng xạ dùng trong y tế). Nếu những chất thải này không được tiêu huỷ sẽ gây nguy hại cho môi trường và sức khoẻ con người. Chất thải sinh hoạt bao gồm các loại rác thải do sinh hoạt hàng ngày của con người như túi nilon, vật liệu đóng gói, đồ hộp, thức ăn dư thừa của người và gia súc, xác súc vật chết… Đặc biệt các túi nilon có thể tồn tại nhiều năm không phân huỷ, gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường.
Nhằm chủ động phòng chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây nên, ngày 20/12/2012 tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp lần thứ nhất của Ban Chủ nhiệm Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Tham dự có Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, Chủ nhiệm Chương trình và đại diện các Bộ là thành viên của Ban Chủ nhiệm. Phiên họp nhấn mạnh, trong giai đoạn 2012-2015, cần xây dựng các mô hình trình diễn tại các địa phương, nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá và tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của biến đổi khí hậu.
(Theo tài liệu của WHO , Bộ TN & MT,
Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế)
Đỗ Thành, Cục Quản lý môi trường y tế

Xem thêm ...