Phòng chống tai nạn thương tích trong trường học



1. Tình hình tai nạn thương tích trên thế giới và tại Việt Nam Hàng năm, tai nạn thương tích (TNTT) là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn trẻ em trên toàn thế giới. Báo cáo thế giới về phòng chống thương tích ở trẻ em năm 2008 cho thấy mỗi năm có 900.000 trẻ em dưới 18 tuổi tử vong do thương tích không chủ

Ở Việt Nam, TNTT cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mắcvà tử vong ở trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi. Trung bình một năm có 334.471 trường hợp trẻ em và vị thành niên mắc tai nạn thương tích và 7.187 trường hợp tử vong. Tỷ suất tử vong trung bình/năm là 23,01/100.000 trẻ em và vị thành viên, chiếm 20,03% tổng số tử vong do TNTT trên toàn quốc. Trong đó, tử vong trẻ em nhóm 0-4 tuổi chiếm 23,65%; từ 5-9 tuổi chiếm 17,22%; từ 10-14 tuổi chiếm 18,86%; 15-19 tuổi chiếm 40,28%.
Với trẻ 0-19 tuổi, đuối nước, tai nạn giao thông, tự tử là ba nguyên nhân về TNTT nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong chung ở trẻ em. Theo nhóm tuổi, tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong do TNTT đứng đầu ở nhóm 15-19 tuổi, tiếp đến là đuối nước và tự tử. Đối với các nhóm 0-4 và nhóm 5-14, đuối nước là nguyên nhân tử vong do TNTT đứng đầu.

 

Những tình huống có thể gây ngã trong trường mầm non. Ảnh tử internet

2. Các loại hình tai nạn thương tích thường liên quan đến môi trường trường học
Lứa tuổi học sinh là nhóm tuổi rất hiếu động và thường xuyên thích khám phá, chinh phục thử thách. Môi trường trường học luôn là một môi trường an toàn đối với học sinh tuy nhiên cũng không tránh khỏi những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhiều loại hình TNTT.
Đối với trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đặc biệt cứ 100.000 trẻ dưới 19 tuổi thì có gần 11 trẻ tử vong do đuối nước. Trẻ nam tử vong do đuối nước nhiều gấp 02 lần trẻ nữ. Tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi với trung bình 19 trẻ/100.000 trẻ năm, trong đó trẻ nam có nguy cơ tử vong nhiều hơn trẻ nữ 1,4 lần. Kết quả từ hệ thống giám sát điểm đuối nước tại Nam Định và Đồng Tháp từ 7-12/2011 cho thấy nhóm tuổi từ 0-4 tuổi là nhóm bị đuối nước nhiều nhất, chiếm 30% tổng số trường hợp đuối nước.
Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong thứ 2 sau đuối nước với trung bình 1867 trường hợp một năm, chiếm tỷ lệ khoảng 24% – 26% tổng số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn giao thông trong nhóm tuổi từ 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 70%. Báo cáo tình hình tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện cho thấy: Tỉ lệ dưới 14 tuổi bị CTSN do TNGT là 6,6%.
Tự tử là một vấn đề luôn nóng và mang tính thời sự, ngày càng tăng, đặc biệt lực lượng tự tử đang ngày càng trẻ hóa. Ở trẻ em, nhóm tuổi 15-19 có tỷ suất tử vong do tử tự cao nhất với tỷ suất 4,4/100.000 trẻ.
Ngộ độc từ lâu là nguyên nhân đứng thứ tư gây tử vong trong số các nguyên nhân gây tai nạn thương tích và để lại hậu quả cũng như di chứng lâu dài với con người. Tại Việt Nam, thống kê từ 2005-2010 cho thấy trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1496 trường hợp ngộ độc, trong đó có khoảng 10% số trường hợp xảy ra ở nhóm trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi.
Ngã là một việc bình thường trong sự phát triển của một con người, đặc biệt đối với một đứa trẻ – học cách tập đi, chạy, nhảy, leo trèo và khám phá môi trường xung quanh. Ngã là nguyên nhân gây TNTT không tử vong lớn nhất ở trẻ em và là loại thương tích thường gặp tại trường học, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi tiểu học. Thống kê tại hai bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và Trẻ em Hải Phòng từ tháng 7-12/2011 cho thấy trong những nguyên nhân gây TNTT té/ngã chiếm tỷ lệ cao nhất (56,31%), tai nạn giao thông (17,79%) và hóc dị vật (8,54%), bỏng (5%), ngộ độc (2,8%), đuối nước (0,82%). TNTT do ngã ở nhóm tuổi trẻ em, đặc biệt là nhóm dưới 10 tuổi, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc phải nghỉ học và điều trị ngắn ngày tại các cơ sở y tế. Mặc dù không gây ra những tổn thất lớn về người, nhưng ảnh hưởng do việc phải nghỉ học và điều trị y tế cho các trường hợp chấn thương cũng rất đáng chú ý.
Bỏng là một vấn đề nghiêm trọng đối với y tế công cộng. Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình cả nước có trên 200 trường hợp bỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các yếu tố nguy cơ của bỏng được xác định dựa vào nơi để các vật chứa nước nóng trong trường học, đặc biệt các trường mầm non. Tỷ suất tử vong trung bình do bỏng ở trẻ dưới 19 tuổi là 0,27/100.000 trẻ. Bỏng là nguyên nhân gây tử vong do TNTT thứ 6 ở trẻ em.
Ở Việt Nam, chó là loài động vật nuôi trong nhà thông dụng nhất (khoảng 56% ở vùng nông thôn và 23% ở thành thị). Trẻ em rất hay đến gần và chơi đùa với những động vật này. Vì vậy, chó, đặc biệt là chó chưa được tiêm phòng, có thể là những mối nguy cơ tiềm tàng với chấn thương ở trẻ em, đặc biệt với học sinh ở nông thôn nơi mà tỉ lệ tiêm vắc xin cho chó còn thấp, chỉ khoảng 40%.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật, vấn đề bạo lực tại Việt Nam đang trở thành vấn đề nóng hổi. Trong hai năm 2008-2009, cả nước đã xảy trên 100 vụ giết trẻ em và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực ở trong và ngoài trường học của học sinh vẫn tiếp tục xảy ra đang là nỗi bức xúc của xã hội. Hiện tượng bạo lực của học sinh không phải là một hiện tượng mới, song thời gian gần đây, hiện tượng này xảy ra ở một số trường học đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng như: học sinh đánh nhau gây thương tích, thậm chí tử vong.

Bạo lực học đường. Ảnh từ internet

3. Các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích trong trường học
Nhằm phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ( trong đó có phòng chống TNTT trong trường học), đã có rất nhiều chiến lược và biện pháp được đưa ra. Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em có nhấn mạnh nội dung phòng chống tai nạn thương tích (PCTNTT) tập trung vào 3P (Protection: Bảo vệ, Provision: Cung cấp môi trường an toàn và Participation: Tham gia)

Trong báo cáo thế giới về phòng chống thương tích trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra các hướng tiếp cận chính đối với một số loại hình TNTT phổ biến ở trẻ em như về cơ sở pháp lý, cải tiến sản phẩm, cải tạo môi trường, giáo dục và phát triển kỹ năng, chăm sóc cấp cứu.

Học an toàn giao thông trong trường học

Các mô hình trường học an toàn đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 2001, mạng lưới trường học quốc tế đã được Viện Karolinska, Thụy Điển thiết lập và được WHO công nhận. Đến nay, trên thế giới đã có 72 trường học từ Thái Lan, Hồng Kông, New Zealand, Thụy Điển, CH Séc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Serbia được công nhận là thành viên mạng lưới trường học quốc tế.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến công tác PCTNTT, trong đó có tập trung đến đối tượng trẻ em, xây dựng trường học an toàn, cộng đồng an toàn và đánh giá công tác y tế trong trường học có lồng ghép nội dung PCTNTT. Các biện pháp PCTNTT cũng đã được triển khai trong trường học trên tất cả các lĩnh vực về truyền thong, nâng cao nhận thức về TNTT, cải thiện môi trường như xây dựng hàng rào, có nơi tập luyện thể thao an toàn, xây dựng sân chơi hợp lý v.v; có các phương tiện, thuốc men để cấp cứu kịp thời khi các cháu bị chấn thương; không để tình trạng bạo lực trong học đường xảy ra và không có tai nạn xảy ra trong trường gây chết người hoặc bị thương nặng phải nằm bệnh viện.

Thi tìm hiểu về PCTNTT cho học sinh

Nhằm góp phần hạn chế tai nạn thương tích trẻ em và trong trường học, trong thời gian tới, chính phủ và các Bộ/ngành cần tăng cường tập trung giảm thiểu các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em, tập trung chủ yếu vào hai loại tai nạn phổ biến nhất là đuối nước và tai nạn giao thông. Đối với y tế, cần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc chấn thương trước viện và tại viện nhằm giảm bớt tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích ở trẻ em; ghi chép giám sát TNTT và tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga
Cục Quản lý môi trường y tế

Xem thêm ...