Vai trò của ngành y tế trong dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động



Với khái niệm trên, chúng ta thấy công tác vệ sinh lao động có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Nghiên cứu đặc điểm để nhận dạng các tác hại nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động; Nghiên cứu những biến đổi sinh lý, sinh hóa, tâm sinh lý và căng thẳng […]

Với khái niệm trên, chúng ta thấy công tác vệ sinh lao động có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Nghiên cứu đặc điểm để nhận dạng các tác hại nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động; Nghiên cứu những biến đổi sinh lý, sinh hóa, tâm sinh lý và căng thẳng gây ra cho con người do ảnh hưởng của các tác hại nghề nghiệp; Nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ của các tác hại nghề nghiệp; Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn và tiến hành việc khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện và giám định bệnh nghề nghiệp.

Tuy nội dung chính của VSLĐ là tập trung cho nhiệm vụ dự phòng, nhưng vấn đề chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng, phục hồi chức năng cũng là những nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến VSLĐ trong sự nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Bởi vậy trong chức năng quản lý nhà nước của ngành Y tế, bên cạnh những lĩnh vực quan trọng như khám chữa bệnh, sức khỏe sinh sản, dân số – kế hoạch hóa gia đình, an toàn thực phẩm…thì lĩnh vực y tế dự phòng, phòng chống tai nạn thương tích, điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng, giám định y khoa cũng là những lĩnh vực quan trọng mà dự thảo luật an toàn, vệ sinh lao động cần quan tâm xem xét, điều chỉnh.
Vì vậy, trong dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động cần nghiên cứu để có thể bổ sung một số điểm liên quan đến VSLĐ còn thiếu vào các điều đã có, hoặc nếu cần thì thêm điều mới. Các vấn đề liên quan đến VSLĐ thuộc trách nhiệm của ngành y tế có thể bao gồm: Biện pháp giám sát, kiểm soát môi trường lao động để phòng chống bệnh nghề nghiệp, ốm đau, giảm sút sức khỏe người lao động. Kiểm soát theo đúng bản chất của nó là vừa đo, kiểm tra, đánh giá, vừa đề ra biện pháp khoa học, y sinh học, y tế để cải thiện môi trường lao động và bảo vệ sức khỏe người lao động; Biện pháp khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh nghề nghiệp; Khám sức khỏe (tuyển dụng, định kỳ,…), phân loại sức khỏe; Biện pháp phục hồi chức năng cho những người đã bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Vấn đề thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và giáo dục về sức khỏe nghề nghiệp, về sơ cấp cứu người bị tai nạn lao động; Vấn đề xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh lao động, nghiên cứu bổ sung bệnh nghề nghiệp.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành y tế liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, chúng ta cần căn cứ vào ba yếu tố cơ bản sau đây để xem xét, đó là: Chức năng của Bộ Y tế trong bộ máy nhà nước, chức năng này đều được xác định trong các nghị định của Chính phủ đối với ngành y tế theo từng nhiệm kỳ của Chính phủ. Tuy mỗi nhiệm kỳ chức năng đó có một số thay đổi, nhưng nhìn tổng quan mấy chục năm qua ở nước ta, ngành y tế vẫn có những chức năng cơ bản không thay đổi, trong đó có chức năng liên quan đến an toàn vệ sinh lao động; Thực tế lịch sử hoạt động của ngành y tế và vai trò, trách nhiệm cũng như đóng góp của ngành y tế đối với công tác an toàn vệ sinh lao động của nước ta trong mấy chục năm qua; Theo kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của ngành y tế của các nước trên thế giới, tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng nước nào cũng đều giao cho ngành y tế nhiệm vụ quan trọng trong công tác an toàn vệ sinh lao động.
Từ ba yếu tố cơ bản trên, chúng ta có thể xác định được trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành y tế để quy định trong Luật an toàn vệ sinh lao động. Thực tế cho thấy, trong mấy chục năm qua kể từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế cùng với tổ chức Công đoàn Việt Nam (trước đây là Tổng Công đoàn Việt Nam, nay là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) là ba cơ quan được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì chăm lo công tác bảo hộ lao động nay gọi là an toàn vệ sinh lao động ở nước ta. Có nhiều giai đoạn, không có sự khẳng định cho Bộ nào chịu trách nhiệm chính mà cứ theo chức năng và phối hợp với Tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng chăm lo công tác này. Trải qua thời gian cho đến năm 1995, các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động như Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động và sau đó là Pháp lệnh bảo hộ lao động vẫn ghi rõ Chính phủ thống nhất quản lý‎ nhà nước về an toàn vệ sinh lao động và giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế giúp Chính phủ quản lý nhà nước từng mặt (với Bộ Y tế là về vệ sinh lao động).
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng là một lĩnh vực chuyên môn sâu của ngành y tế. Vì vậy trong các quy định của dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động, ngoài việc nêu chung cho công tác an toàn vệ sinh lao động, cần thiết có điều nêu rõ trách nhiệm của ngành y tế trong việc nghiên cứu và áp dụng thành tựu khoa học về y học để phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động, điều trị chấn thương và bệnh nghề nghiệp, phục hồi khả năng lao động. Cũng như vậy, trong nhiệm vụ huấn luyện, phổ biến kiến thức chung về an toàn vệ sinh lao động, ngành y tế cần tham gia sâu vào những vấn đề thuộc chuyên môn.
Hy vọng rằng trong Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ có những quy định cụ thể để ngành y tế phát huy chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo triển khai thành công dịch vụ y tế lao động giúp cho người lao động.

PGS. TS. Nguyễn An Lương

Xem thêm ...