Nội dung trả lời báo chí về công tác quản lý chất thải y tế



Câu 1: Xin bà cho biết hiện nay công tác quản lý chất thải y tế được thực hiện như thế nào? Trả lời: Công tác quản lý chất thải y tế được thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và […]

  1. Câu 1: Xin bà cho biết hiện nay công tác quản lý chất thải y tế được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Công tác quản lý chất thải y tế được thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu và các văn bản liên quan khác. Quản lý chất thải y tế là một quá trình từ phân định, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế. Hoạt động phân định, phân loại, thu gom và tự xử lý (nếu có) được thực hiện ở trong cơ sở y tế. Hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải y tế được thực hiện ở bên ngoài cơ sở y tế.

Về xử lý chất thải rắn y tế nguy hại: Có 3 hình thức xử lý gồm thuê đơn vị bên ngoài có giấy phép phù hợp để xử lý hoặc xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế hoặc tự xử lý bằng hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên cơ sở y tế.

Về xử lý nước thải y tế: Chủ yếu xử lý bằng công trình xử lý nước thải y tế đặt tại khuôn viên cơ sở y tế. Một số ít cơ sở y tế gần nhau có thể áp dụng hình thức xử lý theo mô hình cụm.

  1. Câu 2: Bộ Y tế đã ban hành những thông tư, nghị định nào để quản lý chất thải y tế? Những thông tư, nghị định đó được các cơ sở y tế chấp hành, thực hiện ra sao?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 141 của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

Các Thông tư về lĩnh vực quản lý chất thải được ban hành:

  1. Thông tư số 31/2013/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện nhằm tăng cường quản lý, giám sát môi trường tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
  2. Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế nhằm tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Y tế và Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế.
  3. Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế (thay thế Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế). Đây là Thông tư quy định xuyên suốt quá trình quản lý chất thải y tế khâu phát sinh đến xử lý chất thải y tế và các mô hình xử lý chất thải y tế phù hợp. Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý chất thải y tế.

Các văn bản nêu trên đang được nhiều cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện và các văn bản này đã tháo gỡ được một số khó khăn trong công tác quản lý chất thải y tế, đặc biệt là đối với việc xử lý chất thải theo mô hình cụm và việc quản lý chất thải tại các cơ sở quy mô nhỏ… Tuy nhiên cũng còn một số lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm đến công tác quản lý chất thải y tế.

  1. Câu 3: Xin bà cho biết hiện nay cả nước có bao nhiêu cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương? Trong các cơ sở y tế này có bao nhiêu đơn vị có hệ thống xử lý chất thải y tế?

Trả lời:

Hiện cả nước có hơn 13 nghìn cơ sở y tế các loại từ trung ương đến địa phương bao gồm: cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và trạm y tế xã, phường, thị trấn.

– Đối với xử lý chất thải y tế nguy hại: Theo số liệu báo cáo của các địa phương hiện nay có 94,3% bệnh viện tuyến trung ương, 92% bệnh viện tuyến tỉnh và 82% bệnh viện tuyến huyện thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại đúng quy định.

– Đối với xử lý nước thải y tế: Các cơ sở y tế đều đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế từ đơn giản đến hệ thống xử lý nước thải quy mô nhưng nhiều hệ thống đã quá tải, xuống cấp hoặc chưa đạt yêu cầu. Theo số liệu báo cáo của các địa phương hiện nay có trên 60% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt yêu cầu.

  1. Câu 4: Xin bà cho biết kết quả công tác quản lý, kiểm tra, xử lý chất thải y tế từ năm 2011 đến nay? Cục đã xử lý bao nhiêu cơ sở vi phạm về công tác quản lý chất thải y tế? Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Trả lời:

Hàng năm, Bộ Y tế đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường và địa phương để kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị có vi phạm chấn chỉnh, khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý chất thải y tế và báo cáo kết quả khắc phục về Bộ Y tế.

Nguyên nhân dẫn đến một số cơ sở y tế chưa thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế là do: (1) Các cơ sở y tế thiếu kinh phí để đầu tư, xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu; (2) Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; (3) Lãnh đạo các cơ sở y tế và chủ cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải y tế bên ngoài cơ sở y tế chưa nghiêm túc thực hiện Luật BVMT; (4) Cán bộ y tế chưa nâng cao ý thức về quản lý chất thải y tế; người bệnh, người nhà người bệnh chưa được phổ biến, hướng dẫn về phân loại đúng chất thải y tế.

  1. Câu 5: Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế, trong thời gian tới Cục có những giải pháp gì để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải trong các cơ sở y tế?

Trả lời:

Thứ nhất: Cần tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản,  chính sách liên quan về quản lý chất thải y tế; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp với từng loại hình cơ sở y tế.

Thứ hai: Huy động nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, bao gồm: (i) Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương; (ii) Ngân sách địa phương; (iii) Kinh phí từ các dự án ODA trong đó có dự án Hỗ trợ xử lý chất thải y tế vay vốn của WB và các nguồn vốn hợp pháp khác; (iii) Triển khai đối tác công tư trong quản lý và xử lý chất thải y tế nhằm huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội (PPP) để tăng tính chuyên môn hóa trong xử lý chất thải y tế và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

Thứ ba: Tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới tất cả các cán bộ ngành y tế, người bệnh, người nhà người bệnh nâng cao nhận thức, thực hành phân loại đúng chất thải y tế, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường bệnh viện; Quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế trong việc thực hiện quản lý chất thải y tế tại đơn vị; Đưa kết quả thực hiện về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường vào nội dung đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng hàng năm của cơ sở y tế; Xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường.

Thứ tư : Tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý chất thải y tế, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp theo định hướng áp dụng công nghệ mới bảo đảm tính thân thiện với môi trường trên cơ sở khối lượng, thành phần của chất thải y tế phát sinh, điều kiện mặt bằng xây dựng, phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và đảm bảo quy chuẩn quốc gia về môi trường.

Thứ năm: Cần tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cơ sở y tế.

Cuối cùng, để quản lý tốt chất thải y tế, bảo vệ môi trường thì trách nhiệm không chỉ của riêng ngành y tế mà đòi hỏi sự tham gia của các cấp, ban, ngành, chính quyền địa phương và của cả người bệnh, người nhà người bệnh.

Cục Quản lý môi trường y tế

Xem thêm ...