Quy định về tái chế chất thải y tế
Chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại, trong đó chiếm phần lớn (khoảng 80-90%) là chất thải y tế thông thường, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học nguy […]
Chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại, trong đó chiếm phần lớn (khoảng 80-90%) là chất thải y tế thông thường, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học nguy hại yêu cầu phải quản lý đúng quy định để bảo đảm an toàn với con người và môi trường. Tuy nhiên nếu chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì an toàn đối với sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tăng cường tái chế chất thải y tế nhằm mục đích tránh lãng phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và lợi ích về kinh tế.
Luật bảo vệ môi trường 2014 (Khoản 3 Điều 6) khuyến khích hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (Điểm b Khoản 5 Điều 49) của Chính phủ cũng quy định “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp.
Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế cũng đã quy định danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế, trong đó các chất thải là các chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại như: dung dịch NaCl 0,9%, glucose, natri bicacbonate, ringer lactat, dung dịch cao phân tử, dịch lọc thận và các chai nhựa đựng dung dịch không nguy hại khác; các vật liệu nhựa khác không dính các thành phần nguy hại; các chai thủy tinh đựng các dung dịch không chứa các thành phần nguy hại; các lọ thủy tinh đựng thuốc tiêm không chứa các thành phần nguy hại; các vật liệu kim loại không dính các thành phần nguy hại; Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy là những chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế.
Tại Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 06/7/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, trong đó yêu cầu giám đốc bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
Theo như các quy định nêu trên, chất thải y tế thông thường hoặc chất thải y tế nguy hại đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, trở thành chất thải thông thường và có thể được thu gom phục vụ mục đích tái chế.
Theo Luật bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải y tế nói chung và quản lý chất thải y tế để phục vụ mục đích tái chế nếu không đúng quy định thì người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cục Quản lý môi trường y tế
Xem thêm ...
- Xử lý nước sinh hoạt cho hộ gia đình trong mùa lũ 12/09/2024
- Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt 06/09/2024
- Mời báo giá gói thầu “Thuê quản trị vận hành hệ thống thông tin quản lý môi trường cơ sở y tế” 13/05/2024
- Thư mời quan tâm 25/07/2023
- Công văn gia hạn nộp báo giá và hồ sơ năng lực 09/06/2023