Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý chất thải y tế



Bảo vệ môi trường là mục tiêu ưu tiên trong phát triển bền vững của quốc gia.Trách nhiệm bảo vệ môi trường thuộc về các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.

 

BỘ Y TẾ

 

CỤC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG Y TẾ

 

 

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2015

 

 

 

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

 

VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ

 

 

Bảo vệ môi trường là mục tiêu ưu tiên trong phát triển bền vững của quốc gia.Trách nhiệm bảo vệ môi trường thuộc về các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.

 

Năm 2013, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó đưa ra mục tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2020 là: không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiêu huỷ, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế.

 

Các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được luật hóa từ năm 2005 và hiện nay là Luật Bảo vệ môi trường 2014.

 

– Chương 14 Luật BVMT quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp và Chương 15 quy định trách nhiệm của mặt trận tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.

 

– Tại Điều 72 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định rõ về bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế,trong đó quy định rõ:

 

+ Chủ đầu tư bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí để xây dựng công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

 

+ Người đứng đầu bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và quy định pháp luật liên quan.

 

Để hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải. Tại Điều 49 quyđịnh:

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên các cơ sở y tế.

 

Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến 2020 tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 trong đó yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Trong thời gian xử lý triệt để, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải áp dụng ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và của cộng đồng. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh là cơ quan chỉ đạo xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí hỗ trợ vốn từ ngân sách của địa phương để xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích trên địa bàn; Bố trí kịp thời kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, rà soát lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh hàng năm; hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại. Thông tư đã đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý chất thải nguy hại, các quy định về đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm cấp phép và quản lý việc vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trong đó có chất thải y tế nguy hại. Đồng thời, Bộ TNMT cũng đã ban hành các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về chất thải y tế gồm QCVN 28:2010/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế; QCVN 02:2012/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế; QCVN 55:2013/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế.

 

Với trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành về quản lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007. Quy chế đã quy định rõ việc phân loại, thu gom, lưu giữ tạm thời, vận chuyển, xử lý chất thải y tế,trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện, các cơ sở y tế và các cơ quan liên quan trong quản lý chất thải y tế.

 

Để tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT ngày 22/12/2014, trong đó quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế.

 

Bộ Y tế cũng đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020. Trong đó mục tiêu đến năm 2020, 100% các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn về môi trường.

 

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất thải y tế trong bệnh viện, vừa qua Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 06/7/2015. Nội dung chính của Chỉ thị gồm: yêu cầu các bệnh viện phải giao trách nhiệm chính về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường cho một khoa, phòng cụ thể; Bổ nhiệm một cán bộ phụ trách về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường để giúp Giám đốc bệnh viện về công tác quản lý chất thải y tế; Bố trí kinh phí để mua sắm các dụng cụ, phương tiện phục vụ việc phân loại thu gom, vận chuyển, lưu giữ tạm thời chất thải trong bệnh viện đúng chủng loại, kinh phí mua hóa chất phục vụ việc xử lý chất thải y tế, kinh phí chi trả cho các hoạt động dịch vụ để xử lý chất thải y tế của bệnh viện theo đúng quy định; Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài; Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế; Đưa kết quả thực hiện về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường vào nội dung thi đua khen thưởng hàng năm.

 

Nhằm tăng cường huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Để triển khai Nghị định này, Bộ Y tế đang xây dựng cơ chế đặc thù và cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong quản lý chất thải y tế. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, trong đó đến năm 2018 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ được tính đúng, tính đủ chi phí cho xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.

 

Để tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

 

– Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế.

 

– Thứ hai: Huy động nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, bao gồm: (i) Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương; (ii) Ngân sách địa phương; (iii) Kinh phí từ các dự án ODA trong đó có dự án Hỗ trợ xử lý chất thải y tế vay vốn của WB và các nguồn vốn hợp pháp khác; (iii) Triển khai đối tác công tư trong quản lý và xử lý chất thải y tế nhằm huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội (PPP) để tăng tính chuyên môn hóa trong xử lý chất thải y tế và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

 

– Thứ ba: Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cơ sở y tế, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện; Quy định trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các cơ sở y tế trong việc thực hiện quản lý chất thải y tế tại đơn vị; Đưa kết quả thực hiện về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường vào nội dung thi đua khen thưởng hàng năm của cơ sở y tế; Gắn trách nhiệm thực hiện quản lý chất thải y tế vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo đơn vị. Lãnh đạo các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trong công tác quản lý chất thải y tế của đơn vị.

 

– Thứ tư: Tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cơ sở y tế để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân; Truyền thông, đưa tin về những bệnh viện, địa phương làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường, và những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

 

Nơi nhận:

 

– Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng;

 

– Lưu: VT, YT.

 

 

CỤC TRƯỞNG

 

 

 

(Đã Ký)

 

 

 

 

Nguyễn Thị Liên Hương

 

 

 

 

 

Xem thêm ...