Một số kết quả, kinh nghiệm bước đầu các dự án đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế



Chất thải y tế có chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh, các loại hoá chất và dược phẩm nguy hại, kim loại nặng, chất thải phóng xạ và nhiều chất khác có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, tại Việt Nam, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các bệnh viện vào khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 tấn/ngày là chất thải rắn y tế (chất thải nguy hại). Tổng lượng nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện khoảng 125.000m3/ngày. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), tất cả chất thải y tế nguy hại bao gồm cả nước thải phát sinh từ các bệnh viện phải được xử lý triệt để, nghiêm ngặt, không gây ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, trên phạm vi toàn quốc, về chất thải rắn y tế: còn khoảng 15% bệnh viện chưa thực hiện việc xử lý chất thải rắn y tế theo đúng quy định; về nước thải y tế: hiện có tới 42% bệnh viện hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, hư hỏng, không hoạt động thậm chí chưa có hệ thống xử lý nước thải; còn khoảng 162 bệnh viện nằm trong danh sách các bệnh viện gây ô nhiễm nghiêm trọng bắt buộc phải xử lý.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe nói chung và nhu cầu về khám chữa bệnh ngày càng gia tăng. Sự gia tăng số lượng các bệnh viện, đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng đồng thời làm cho số lượng chất thải y tế ngày càng tăng nhanh.

Nhận thức rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường tại Nghị quyết của Bộ Chính trị số 41/2004/NQ/TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, Ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhiều dự án xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác khám chữa bệnh và công tác xử lý chất thải y tế. Từ những kết quả bước đầu đã đạt được và những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án xã hội hóa, nhiều bài học quý giá đã được thu nhận. Thông qua kết quả đợt khảo sát “thực trạng đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế” do Cục Quản lý môi trường y tế thực hiện trong năm 2015, một số kết quả, kinh nghiệm bước đầu trong việc triển khai các dự án đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế đã được chỉ ra, đó là:

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong xử lý chất thải y tế trên thực tế đã được triển khai từ gần mười năm nay trong khuôn khổ các chính sách xã hội hóa, hoặc thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, phải đến nay (năm 2015) quan hệ “Công-Tư” này mới được luật hóa bằng Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Trong những năm qua, nhờ có các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội là rất nhất quán, rõ ràng, nên mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về đối tác công tư còn thiếu nhiều và chưa đồng bộ nhưng đã có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia rất mạnh mẽ và có hiệu quả trong xử lý chất thải y tế. Tại 2 thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 100 bệnh viện ký hợp đồng với các Công ty có chức năng để vận chuyển và xử lý rác thải y tế. Giá thành xử lý rác thải y tế do các công ty thấp hơn nhiều mức chi phí so với các bệnh viện tự xử lý (bằng lò đốt). Về xử lý nước thải y tế đã có 04 bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh (Bệnh Viện Răng Hàm Mặt trung ương, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương) đã triển khai dự án BOT (đầu tư-vận hành-chuyển giao); tại tỉnh Đồng Nai đã có 1 bệnh viện triển khai dự án BTO (đầu tư-chuyển giao-vận hành). Giá thành xử nước thải do các công ty thực hiện cũng thấp hơn giá thành do các bệnh viện tự xử lý.

Một số hiệu quả bước đầu: Tại các bệnh viện triển khai đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo hình thức đối tác công tư – PPP: hiệu quả, chất lượng xử lý chất thải y tế luôn được tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng các quy định hiện hành, đặc biệt là nước thải luôn đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường (04 bệnh viện từ khi đưa vào vận hành sớm nhất là năm 2008 và muộn nhất là năm 2013, chỉ có 01 lần xảy ra sự cố hỏng máy thổi khí, Công ty đối tác đã khắc phục ngay trong vòng 24 giờ. Các Bệnh viện triển khai theo hình thức PPP luôn được đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bệnh viện tham gia, không có xung đột về lợi ích. Đảm bảo nguyên tắc cùng có lợi. Các Bệnh viện triển khai theo hình thức PPP dư từ 01-02 biên chế, tạo điều kiện tuyển thêm biên chế hoặc hợp đồng có trình độ chuyên môn y, dược để bệnh viện nâng cao chất lượng phục vụ. Cơ chế tài chính của dự án đầu tư theo hình thức PPP tại các bệnh viện rất khả thi, giảm gánh nặng đầu tư cho các bệnh viện. Trung bình 01 giường bệnh 01 ngày cần chi 7.310 đồng cho việc xử lý chất thải y tế, bao gồm cả chất thải rắn và nước thải (01 giường bệnh trong 01 ngày chỉ cần số tiền là 0,29 kg chất thải rắn x 14.000đồng/kg = 4.060 đồng và 0,5 m3 x 6.500 đồng/m3 nước thải = 3.250 đồng). Các bệnh viện triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP vẫn nắm quyền sở hữu, quản lý dự án. Các bệnh viện có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi (TP.HCM cho vay với 0% lãi suất trong 7 năm từ nguồn vốn kích cầu). Các công ty thực hiện các dự án PPP về xử lý chất thải y tế với các bệnh viện có khả năng cung cấp dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của bệnh viện. Sử dụng được những kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của khu vực tư nhân. Buộc khu vực công cộng ngay từ đầu phải chú trọng đầu ra và lợi ích (thay vì các yếu tố đầu vào). Đưa vốn tư nhân vào và giúp giảm nhẹ gánh nặng về tài chính cho bệnh viện/ngân sách nhà nước.

Một số khó khăn, hạn chế của mô hình PPP đã triển khai: Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, các dự án PPP trong xử lý chất thải y tế trong thời gian qua cũng cho thấy một số khó khăn, tồn tại, đó là: kinh phí để xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện đều do bệnh viện phải tự chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước cấp (trong nguồn kinh phí tự chủ), không có mục ngân sách riêng chi cho việc xử lý chất thải y tế. Nhiều bệnh viện chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh và các yếu tố nguy cơ tới sức khỏe; tâm lý ỉ lại, trông chờ Nhà nước đầu tư ngân sách cho việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế. Mặt khác, chi phí đầu tư xây dựng, trang thiết bị và chi phí vận hành xử lý nước thải bệnh viện rất tốn kém; đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế theo hình thức PPP thời gian hoàn vốn dài, thủ tục đầu tư nhiều, kéo dài và giá xử lý chất thải y tế khó xác định và chưa thống nhất.

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách PPP trong xử lý thải y tế: Để mô hình PPP trong xử lý chất thải y tế có thể thực sự hoàn thiện, cần có những phương pháp tiếp cận PPP phù hợp, tiếp tục hoàn thiện chính sách trong xử lý chất thải y tế. Cụ thể là, trên cơ sở Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ Y tế cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn về đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù trong xử lý chất thải y tế; bổ sung, sửa đổi Quy chế quản lý chất thải bệnh viện cho phù hợp với tình hình hiện nay; xây dựng các hướng dẫn, tạo lập khuôn khổ pháp lý và chính sách thực thi những quy định của Nghị định và các văn bản liên quan khác, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch, hiệu quả và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ hơn trong việc đầu tư vào các dự án xử lý chất thải theo hình thức đối tác công tư.

BS. Nguyễn Hữu Hùng

Xem thêm ...