Bài viết trên Báo Sức khỏe đời sống



Nội dung:  Chất thải bệnh viện: đừng sợ 5 giờ chiều. Khi mặt trời sắp tắt nắng, Bệnh viện Đa khoa Giá Rai (Bạc Liêu) bỗng nhiên.. đông lạ thường. Cứ đến giờ này, ngoài dòng người bắt đầu trở về nhà, bệnh viện lại đón thêm không ít người ghé thăm để… đi dạo. […]

Nội dung:  Chất thải bệnh viện: đừng sợ

5 giờ chiều. Khi mặt trời sắp tắt nắng, Bệnh viện Đa khoa Giá Rai (Bạc Liêu) bỗng nhiên.. đông lạ thường. Cứ đến giờ này, ngoài dòng người bắt đầu trở về nhà, bệnh viện lại đón thêm không ít người ghé thăm để… đi dạo. Nhiều bệnh nhân nội trú khác cũng tranh thủ ra sân… để chơi bóng, chạy bộ. Bệnh viện ban ngày thì xanh mướt và thoáng đãng, tối lại chan hòa ánh sáng đèn điện, trông lúc nào cũng như một công viên nhỏ giữa lòng thị xã. 

Ai bảo đi viện không thể vui chơi…?!

Nhìn chị Nguyễn Thị Kim Thu, 30 tuổi ở ấp 5, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu không giống như một người mẹ có con nhỏ nhập viện. Không quá căng thẳng âu lo, chị thong dong dắt con gái đi dạo trong khuôn viên bệnh viện. Đây là lần thứ hai, bé gái của chị phải nằm nội trú nên 2 mẹ con đã quen thuộc từng ngóc ngách ở đây. Cô bé nhí nhảnh vừa nhảy chân sáo vừa ríu rít chuyện trò. Chơi chán ở vườn hoa, bé lại đòi đi ra hồ coi cá và muốn tự tay mình cho cá ăn. Cái hồ cá nhỏ nằm phía sau bệnh viện, được thiết kế ngay cạnh khu xử lý nước thải y tế. Ở đây có đến 7 chú hải tượng, mỗi chú dài hơn 1m, nặng hàng chục ký nối đuôi nhau uốn lượn từ góc hồ này sang góc hồ kia. Hễ thấy có người đến, các chú lại chuyển hướng, kéo nhau bơi đến sát chân người, ngoi lên ngáp ngáp chờ thức ăn. Bác sĩ Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Giá Rai bảo: “Chúng đòi ăn đấy”. Nói rồi, ông chạy đi chừng mươi phút và quay trở về với xô thức ăn trên tay. Bác sĩ Dũng hớn hở ném xuống, say sưa ngắm cả đàn cá đang quẫy đuôi tranh ăn bắn tung cả nước lên bờ. Khuôn mặt ông lúc này thật rạng rỡ và hồn nhiên, y chang khuôn mặt cô bệnh nhân nhí của mình.

Trồng rau nuôi cá từ nước thải y tế 

Được xây dựng từ năm 2014, hệ thống xử lý chất thải y tế của bệnh viện Giá Rai bao gồm lò đốt rác và khu xử lý nước thải. Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ quy trình xử lý theo tiêu chuẩn, lò đốt rác còn được chọn đặt ở hướng Đông Bắc để tránh gió mùa Tây Nam, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tới cộng đồng. Trước khi khởi công bệnh viện vào năm 2011, cách đó 2 năm, bệnh viện đã trồng sẵn những hàng cây theo quy hoạch để tạo ra môi trường xanh sẵn có. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện (Bộ Y tế), nguồn nước thải ở đây, thay vì xả thải ra môi trường như nhiều đơn vị khác, đã được tận dụng triệt để đến từng m3. Sau khi đã được xử lý và đo nồng độ theo định kỳ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, nước thải của bệnh viện sẽ được dùng để tưới rau và nuôi cá. Ngoài những loài cá có giá trị kinh tế cao như cá hải tượng, cá tai tượng, bệnh viện còn nuôi thêm cá chép, cá rô phi… để cải thiện đời sống cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Ngay kế bên hồ là một vườn rau xanh mướt, hai lần một ngày được tưới bởi những vòi xoay tự động, phun mưa kín cho cả vườn với nhiều loại: rau muống, rau mồng tơi, rau dền, rau má… Sau mỗi đợt thu hoạch, bệnh viện lại cắt cử người trồng thêm lứa mới để liên tục có rau xanh cho cán bộ nhân viên và bệnh nhân.Không dừng lại ở đó, để giảm bớt cảm giác sợ hãi của người dân về khu vực nhà xác và khu xử lý chất thải, bệnh viện còn xây thêm chòi thư giãn với những giàn cây hoa xanh um mát rượi. Bác sĩ hay bệnh nhân khi mỏi mệt đều có thể tản bộ ra đây ngồi mát. Sau này, khi thấy nhiều đôi tình nhân buổi tối hẹn nhau vào đây, mang theo ly cà phê ngồi uống nên bệnh viện cho lắp thêm đèn cao áp với 5-6 bóng chiếu sáng, vừa để đảm bảo an ninh, vừa biến khu vực ít người dám lui tới này thành một góc thư giãn thú vị trong bệnh viện.

Chất thải bệnh viện: đáng sợ hay đáng quý? 

Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, bông băng kim tiêm dính máu, một phần bộ phận cơ thể sau phẫu thuật thải bỏ, vỏ chai thuốc sau sử dụng, nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, bột bó xương… thường bị ám ảnh như những nỗi lo lắng, sợ hãi như: sợ lây nhiễm bệnh tật, sợ dính hóa chất, sợ nhiễm độc thủy ngân, thậm chí sợ hãi mang màu sắc tâm linh nếu những thứ này gắn với bệnh nhân không may qua đời trong bệnh viện. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chỉ có 10-20% chất thải bệnh viện là nguy hại, còn lại, chúng đều có thể trở thành những… nguồn tài nguyên có giá trị, như nước thải sau xử lý hoàn toàn có thể để tưới cây nuôi cá, một số chai lọ vỏ thuốc đều có thể tái chế thành vật dụng thường ngày.Trên thực tế, chất thải y tế đáng sợ hay đáng quý hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý cũng như của cộng đồng. Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), chất thải y tế gồm 2 loại: chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường. Trong đó, chất thải y tế thông thường là những chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân và người nhà, chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế; bột bó trong xương gẫy kín; dược phẩm, hóa chất (không chứa thành phần nguy hại) thải bỏ hoặc hết hạn sử dụng. Những loại này luôn cần được phân loại trước và đựng trong các túi hoặc thùng có lót túi màu xanh. Đây chính là loại chất thải nhiều nhất tại hầu hết các cơ sở y tế, chiếm đến 80-90% tổng lượng rác thải ra mỗi ngày.

Còn chất thải y tế nguy hại – thứ mà người dân hay sợ hãi – chỉ chiếm khoảng 10-20%, thì cần được quản lý theo quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. Chất thải y tế nguy hại gồm 2 nhóm: chất thải nguy hại lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Theo quy định, chất thải này phải được phân loại và đựng trong các túi, thùng có lót túi màu vàng (loại lây nhiễm) và màu đen (loại không lây nhiễm).

Ngoài ra, trong cơ sở y tế còn có chất thải tái chế từ vật liệu giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh không chứa thành phân nguy hại. Đây thực sự cũng là nguồn tài nguyên quý giá, cần được phân loại và đựng trong các túi hoặc thùng có lót túi màu trắng trước khi chuyển giao cho cơ sở tái chế chất thải có giấy phép phù hợp.

Với cách làm của Bệnh viện Đa khoa Giá Rai như hiện nay, chất thải bệnh viện thực sự đã trở nên hữu ích, góp phần đem lại nguồn thực phẩm và nguồn kinh tế cho bệnh viện, đồng thời tạo ra một không gian xanh sạch đẹp cho cộng đồng.

Chung tay để bệnh viện luôn an toàn – thân thiện

Bác sĩ Dũng xúc động kể: “Bác sĩ, hộ lý ở đây cứ rảnh lúc nào lại chạy ra dọn rác, chăm cây, chăm cá, chăm chim. Mà không chỉ có nhân viên y tế đâu, nhiều người dân ở đây còn tự giác đi nhặt cỏ, lượm rác xung quanh bệnh viện. Đợt rồi các hộ dân còn ủng hộ láng con lộ trước viện, vừa để sạch bụi đất vào mùa khô, vừa chống trơn trượt vào mùa mưa”. Nhìn những đàn bồ câu bay kín một góc viện, hẳn là dễ hiểu khi rất nhiều bà con quanh khu vực này cứ sáng sớm hay chiều hôm lại tranh thủ ghé vô để tập thể dục, uống cà phê hay cho trẻ con vui chơi, đi dạo.  Chị Kim Thu, sau lần con nằm viện đầu tiên, đã quyết định chọn nơi này để điều trị cho bé những lần kế tiếp. “Bệnh viện ở đây thoáng mát, xung quanh không có mùi nên con gái ưa nằm đây hơn” – chị lý giải. Hơn thế nữa, bệnh viện này lại gần nhà, đúng tuyến nên chẳng có lý do gì để 2 mẹ con chị vượt tuyến đi khám chữa xa xôi như nhiều bệnh nhân khác.Với cách quản lý như vậy, Bệnh viện Đa khoa Giá Rai không chỉ giữ sạch, trồng xanh, làm đẹp môi trường, tạo thêm nguồn thu nhập cho bệnh viện thông qua trồng rau nuôi cá, mà còn xóa bỏ nỗi ám ảnh của người dân về chất thải y tế, níu chân họ vừa bằng chất lượng chuyên môn, vừa bằng không gian an toàn – thân thiện của chính mình.

 

 

 

Xem thêm ...