Bài viết trên Báo Tuổi trẻ
Nội dung: Phân loại rác thải y tế – Chuyện nhỏ mà không nhỏ Một tuần nay, bà Hoàng Thị L. ở Thanh Hóa phải nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Xa nhà nên cả bà L. và các con ra trông nom đều ăn uống ở căn tin […]
Nội dung: Phân loại rác thải y tế – Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Một tuần nay, bà Hoàng Thị L. ở Thanh Hóa phải nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Xa nhà nên cả bà L. và các con ra trông nom đều ăn uống ở căn tin trong bệnh viện. Mỗi ngày gia đình bà thải ra 2 túi rác, nào vỏ cam, vỏ khoai, vỏ hộp sữa, hộp đựng cơm, thức ăn… Tất cả đều được gom vào túi chung để đổ bỏ.
Phần lớn rác thải bệnh viện không nguy hại, nhưng…
Bình thường gia đình bà L. sẽ đem rác ra thùng chung màu xanh ở bệnh viện để bỏ. Phần lớn trong số này là rác sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà. Riêng vỏ hộp thuốc hoặc đồ nhựa y tế thì thỉnh thoảng mới có, bởi đa phần loại này đã được hộ lý thu dọn rồi.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc phân loại rác cũng chính xác. Đôi khi, gia đình bà L. vẫn vứt lẫn bông băng vào thùng chung đựng rác thải sinh hoạt. Thói quen của gia đình bà cũng chính là nguyên nhân khiến cho rác thải y tế đang từ dạng thông thường trở thành nguy hại.
Trên thực tế, theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, có đến 80-90% rác thải ở bệnh viện – bao gồm thức ăn thừa, vỏ trái cây, lon/chai nước ngọt hoặc nước suối, hộp xốp đựng thức ăn, có khi cả vỏ bó bột khi chấn thương không dính máu – thuộc nhóm rác thải không nguy hại, có thể xử lý như rác thải thông thường.
Thế nhưng, lâu nay rác vẫn hay bị vứt lẫn lộn vào nhau, vì thế nó phải mang một cái “mác” đáng sợ: rác bệnh viện thường chỉ được hiểu là bọc máu mủ, dây truyền dịch, hay kim tiêm dính máu….
Ấn tượng xấu này cũng khiến cho nhiều người kinh hãi rác bệnh viện hơn so với rác sinh hoạt, và hành vi vứt rác không đúng cũng vô tình làm cho chi phí phân loại và xử lý chất thải bệnh viện tăng lên.
Ngược lại, nhiệt kế cực kỳ nguy hiểm
Hiện nay, hầu như trong gia đình nào cũng có một chiếc cặp nhiệt độ thủy ngân là vật dụng y tế – để đo nhiệt độ cơ thể mỗi khi ốm, sốt. Nhưng ít ai biết và hiểu được rằng, những chiếc nhiệt kế nếu không may bị làm rơi, vỡ sẽ trở thành những chất thải y tế vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Chị Nguyễn Ngọc Mai, 31 tuổi, ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, nhà có con nhỏ nên lúc nào chị cũng phải có 1-2 chiếc nhiệt kế thủy ngân trong nhà để đo nhiệt độ cơ thể của cả nhà khi ốm đau.
Khi được hỏi về việc có biết sự nguy hại của nhiệt kế thủy ngân khi nó vỡ ra thì được xếp vào loại chất thải y tế nguy hại không? Chị Mai tỏ ra khá bất ngờ. Bởi từ trước đến nay chị chỉ nghĩ là có nguy hiểm nhưng không nghĩ tới là nhiệt kế thủy ngân vỡ, hỏng được xếp vào hàng chất thải y tế nguy hại.
Các chuyên gia y tế cho hay, nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân nguyên tố từ các thiết bị có thủy ngân giải phóng bị vỡ hoặc khi chỉnh sửa bảo dưỡng các thiết bị có chứa thủy ngân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Một người nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, thủy ngân có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.
Người dân đồng hành cùng ngành y
Là đơn vị xử lý rác thải y tế cho thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Hường – Giám đốc công ty URENCO 13 chia sẻ: Nếu bệnh viện phân loại chính xác ngay từ đầu thì sẽ rất thuận tiện trong xử lý và tiết kiệm chi phí. Giả sử một túi rác thải y tế thông thường được phân loại đúng thì sẽ được xử lý như rác thải sinh hoạt khác. Nhưng nếu túi rác này có lẫn bông băng, kim tiêm dính máu thì cả túi rác sẽ phải xử lý y như rác thải nguy hại, đảm bảo đúng quy trình nghiêm ngặt, tốn kém hơn nhiều lần.
Ngoài việc vứt rác thải y tế lẫn lộn, sự hiểu biết của người dân về các chất thải y tế nguy hại và chất thải tái chế cũng… lẫn lộn không kém. Điều này dẫn tới 2 thái cực: hoặc coi thường chất thải nguy hại, hoặc lãng phí nguồn chất thải có thể tái sử dụng.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), có 4 loại chất thải y tế tương ứng với 4 màu sắc của các loại dụng cụ chứa chất thải y tế.
Chất thải y tế thông thường được bỏ vào thùng xanh: gồm chất thải sinh hoạt thường ngày của con người như: thức ăn thừa, vỏ hoa quả, bánh kẹo…
Chất thải tái chế được bỏ vào thùng trắng: vật liệu giấy, bao bì, tài liệu, thùng các tông, chai đựng các loại nước, vật liệu kim loại, hộp sữa…
Chất thải nguy hại lây nhiễm được bỏ vào thùng vàng: gồm bông băng, gạc dính máu, cốc đựng dịch đờm được bỏ vào thùng chứa màu vàng có đề chữ chất thải lây nhiễm. Tất cả các chất thải thông thường phát sinh từ buồng bệnh cách ly cũng là chất thải lây nhiễm và được bỏ vào thùng màu vàng.
Chất thải nguy hại không lây nhiễm được bỏ vào thùng đen: hóa chất thải bỏ hoặc bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại, dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo từ nhà sản xuất, thiết bị y tế bị vỡ, hỏng có chứa thủy ngân và các kim loại nặng, bong đèn huỳnh quang vỡ hỏng, pin, ắc quy thải loại…
Một trong những hành vi không đẹp của một số người Việt là vứt rác bừa bãi, ở bệnh viện cũng không ngoại lệ. Hướng dẫn người dân vứt từng loại rác vào từng thùng khác nhau hẳn không dễ, nhưng nếu làm được thì sẽ là một bước tiến trong bảo vệ môi trường, và chi phí xử lý rác thải sẽ giảm đi nhiều.
Khi nghe xong chuyện này, gia đình bệnh nhân L đều cam kết sẽ thay đổi nếu các thùng rác có dán nhãn hướng dẫn ở vị trí dễ nhìn, và họ sẽ càng nghiêm túc hơn nếu bệnh viện có quy định và chế tài với những trường hợp vứt rác bừa bãi. Bệnh viện sạch là điều ai cũng muốn, nhưng đó là trách nhiệm của chung tất cả mọi người.
Bốn màu thùng rác tương ứng với 4 loại chất thải y tế khác nhau
Xem thêm ...
- Mời báo giá gói thầu “Thuê quản trị vận hành hệ thống thông tin quản lý môi trường cơ sở y tế” 13/05/2024
- Thư mời quan tâm 25/07/2023
- Công văn gia hạn nộp báo giá và hồ sơ năng lực 09/06/2023
- Thư mời gửi Hồ sơ năng lực và báo giá thực hiện gói thầu 07/06/2023
- Thư mời quan tâm “thuê quản trị vận hành hệ thống thông tin quản lý môi trường cơ sở y tế” 01/06/2023