CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỆ SINH LAO ĐỘNG, SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH KHAI THÁC MỎ



Tài nguyên khoáng sản của nước ta rất đa dạng và phong phú với chất lượng tốt và trữ lượng lớn. Theo thống kê của Bộ Công thương, nước ta có gần 5.000 mỏ và điểm quặng với 60 loại khoáng sản khác nhau. Theo kết quả thăm dò, trữ lượng quặng sắt khoảng 1 tỷ tấn, cromit 20 triệu tấn, đồng 751.000 tấn.

Các khoáng sản khác bao gồm thiếc, vôn phram, vàng, chì, kẽm, urani, antimon, đất hiếm, đá quý, đá vôi và đất sét. Một số khoáng sản có tiềm năng lớn và giá trị kinh tế cao đang được thăm dò sẽ giúp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 người lao động, góp phần cải tạo từng bước cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi có các mỏ khoáng sản, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, và đã đóng góp 10-12% tổng sản phẩm quốc nội.

Khai thác mỏ là một ngành lao động đặc thù, được xếp loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hầu hết các mỏ có kiến tạo phức tạp, công nghệ khai thác lạc hậu, lao động thủ công là chủ yếu, điều kiện môi trường lao động khắc nghiệt. Công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động đã được các cấp Ủy đảng, Chính quyền, các cơ sở lao động và người sử dụng lao động quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân,… Nhiều dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng có tác dụng giảm gánh nặng sức khỏe cho người lao động, môi trường lao động được cải thiện vì thế đã từng bước cải thiện được điều kiện làm việc, cải thiện tình trạng sức khỏe cho người lao động. Hệ thống mạng lưới làm công tác bảo hộ lao động được kiện toàn, sức khỏe người lao động được quan tâm chăm sóc. Theo nghiên cứu thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động của ngành khai thác khoáng sản do Viện Y học lao động và Môi trường Bộ Y tế thực hiện năm 2012, phần lớn người lao động có sức khỏe từ loại I đến loại III chiếm hơn 90%, chỉ có gần 10% người lao động có sức khỏe loại IV và loại V.

Tuy nhiên, công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Cũng theo nghiên cứu này, môi trường lao động ngành mỏ bị ô nhiễm, một số yếu tố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (hồi cứu số liệu ba năm 2009, 2010, 2011): nhiệt độ (14,1%; 12,4%; 6,9%), tốc độ gió (10,6%; 7,2%; 3,1%), độ ẩm (25,1%; 14,5%; 18,8%), Bụi (22,5%; 27,7%; 19,9%), tiếng ồn (23,1%; 24,3%; 19,9%), rung (19,0%; 12,8%; 5,9%) và hơi khí độc (1,4%; 1,3%, 1,2%). Theo nhận định của người lao động thì có 85,4% người lao động nói rằng công việc của họ nặng nhọc, 92,9% cho rằng công việc nguy hiểm, 39,2% cho rằng công việc gò bó, 12,8% cho rằng công việc đơn điệu, 83,4% cho rằng công việc nguy hiểm, có thể gây tai nạn lao động. Nhiều người lao động mắc bệnh nghề nghiệp đặc biệt là bệnh bụi phổi silic. Kết quả khám sức khỏe định kỳ cho thấy một số bệnh chiếm tỷ lệ cao như: bệnh mắt, viêm xong, mũi họng, thanh quản, bệnh da, viêm phế quản, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh cơ xương khớp. Nhiều vụ tai nạn lao động đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng làm nhiều người chết hoặc bị thương nặng. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây than – khoáng sản là một trong những ngành dẫn đầu về số lao động tử vong trong khi làm việc. Riêng năm 2009, số vụ tai nạn lao động và số người chết do khai thác than và khai thác đá chiếm hơn 16% tổng số vụ và 22,1% tổng số người chết do tai nạn lao động trong cả nước. Số người mắc bệnh nghề nghiệp trong khai thác than, khoáng sản cũng chiếm tỷ lệ lớn, trong đó chủ yếu là bệnh bụi phổi Silic, bụi phổi than, chiếm hơn 70% trên 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.

Hình ảnh khai thác than trong hầm lò

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do (1) chủ cơ sở lao động chưa chú trọng thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn vệ sinh lao động, chưa tạo môi trường làm việc an toàn, phù hợp cho người lao động. (2) nhận thức, ý thức của công nhân, cán bộ về công tác an toàn vệ sinh lao động còn rất hạn chế, tùy tiện, mạo hiểm, cắt xén quy trình kỹ thuật, biện pháp an toàn dẫn đến tai nạn lao động cho chính mình và đồng đội. (3) công tác huấn luyện, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động còn bất cập, chất lượng hiệu quả chưa cao. (4) chất lượng hiệu quả về công tác an toàn rất thấp, kiểm tra nhiều, nhiều tổ chức kiểm tra nhưng tình trạng vi phạm an toàn chưa được khắc phục triệt để, còn nhiều vi phạm lặp lại nhiều lần. (5) sản xuất than hầm lò có nhiều rủi ro cao (nhiều yếu tố nguy hiểm như: Cháy nổ khí, phụt khí, bục nước, sập đổ lò, trượt lở tầng, nổ mìn, điện giật… các yếu tố có hại như: Nóng, bụi, ồn, rung, hóa chất độc hại, phóng xạ. bức xạ…

Với đặc thù của ngành, đa số công nhân, lao động làm việc trong điều kiện môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thường xuyên phải tiếp xúc với hầm lò, lao động làm việc thủ công chiếm tỷ lệ cao… Do đó, để tăng cường công tác quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ:

– Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động về công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về an toàn lao động và vệ sinh lao động, kể cả các chế độ bảo hiểm lao động. Tăng cường, đổi mới phương thức huấn luyện về an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.

Các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động, đặc biệt là công khai hóa các DN không chấp hành nghiêm quy định pháp luật về lĩnh vực này.

– Nhằm phòng ngừa các vụ tai nạn xảy ra, hoạt động khai thác các loại khoáng sản phải được khảo sát, thăm dò và thiết kế khai thác đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định và phải được cơ quan tổ chức có thẩm quyền phê duyệt. Các thiết kế thi công phải áp dụng các biện pháp an toàn cụ thể, chi tiết cho từng khai trường, khu vực cần thiết. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giám sát an toàn, quản đốc, phó quản đốc, trực ca về kiến thức an toàn, vệ sinh lao động; đánh giá phân tích rủi ro trong đào, chống lò và các biện pháp an toàn lao động theo mẫu cụ thể chi tiết…

– Đối với cơ sở lao động cần củng cố hệ thống mạng lưới làm công tác bảo hộ lao động; đầu tư máy móc, trang thiết bị và phương tiện sơ cấp cứu cho y tế cơ quan; trang bị thuốc thiết yếu; lập hồ sơ vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động.

Hình ảnh đo kiểm tra môi trường lao động

Hy vọng rằng, trong thời gian tới với sự tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và sự nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn lao động của các cơ sở lao động trong ngành khai thác khoáng sản thì công tác công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động sẽ được cải thiện một cách đáng kể.

Xem thêm ...