Phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, tốc độ lây nhiễm cao trong cộng đồng, đồng thời cũng là nguy cơ cao đối […]
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, tốc độ lây nhiễm cao trong cộng đồng, đồng thời cũng là nguy cơ cao đối với an toàn và sức khỏe của người lao động đặc biệt người lao động làm các ngành nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao tại nơi làm việc. Vì vậy, việc hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động thuộc nhóm đối tượng này là hết sức cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình làm việc.
Theo Bộ Y tế, những nghề, công việc có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh COVID-19 bao gồm: (1) Cán bộ y tế bao gồm nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị hoặc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế liên quan đến những người bị nhiễm vi-rút, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch; (2) Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc cao nơi công cộng: nhân viên hàng không; thuyền viên, nhân viên đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phục vụ mục đích công cộng (người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và sử dụng ứng dụng kết nối); người lao động làm việc tại các khu dịch vụ (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng), nhân viên môi trường đô thị, v.v…; (3) Cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu (Hải quan, kiểm hóa, biên phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu).
Đối với người lao động tại các ngành trên, ngoài việc thực hiện các khuyến cáo chung đối với người lao động tại nơi làm việc, người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao cần:
(1) Sử dụng khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người dân.
(2) Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn.
(3) Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 02 mét (nếu có thể).
Mỗi người lao động cần thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cục Quản lý môi trường y tế
Xem thêm ...
- Hội thảo -Tập huấn cập nhật cập nhật kiến thức chuyên môn về quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Cục Quản lý Môi trường y tế 04/09/2024
- Thư mời báo giá (Thuộc hoạt động Xây dựng và phát sóng thông điệp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động, khu công nghiệp; phát sóng trên Đài truyền hình Thông Tấn và Đài truyền hình VTC1) 11/06/2024
- Công văn 4674 ngày 31/8/2020 v/v hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhậpcảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) 03/09/2020
- Tập huấn hướng dẫn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra cho cán bộ, công chức và người lao động của Cục Quản lý môi trường y tế 07/02/2020
- Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức Tập huấn hướng dẫn sử dụng Bảng phân loại Quốc tế ILO phim X-quang bệnh bụi phổi 21/09/2019