Hội thảo khoa học phòng chống bệnh liên quan đến Amiăng



Ngày 25-26/2/2014, tại Hà Nội, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức Hội thảo khoa học về Phòng chống các bệnh liên quan đến Amiăng.

Tham dự Hội nghị có GS. TS. Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế, đại diện cho lãnh đạo Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế; GS. Ken Takahashi – Chuyên gia Tư vấn của Tổ chức y tế thế giới cùng nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ngành có liên quan.

Ảnh: Các đại biểu Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế thế giới tham dự Hội thảo

Trong bài phát biểu của mình, GS. Ken Takahashi đã nêu ra được vấn đề nổi bật: Amiăng là một trong các chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, là nguyên nhân của các trường hợp tử vong nghề nghiệp do ung thư. Cách hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đế Amiăng là chấm dứt sử dụng hoàn toàn tất cả các loại Amiăng.

Ảnh: GS. Ken Takahashi phát biểu tại Hội thảo

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 10 quốc gia sử dụng lượng Amiăng lớn nhất trên thế giới, nhưng công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp liên quan đến Amiăng còn khó khăn do thời gian ủ bệnh kéo dài 20 – 30 năm, không dễ quản lý hồ sơ, theo dõi và khám phát hiện bệnh

TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường cho biết Ngành Y tế đã có các hoạt động chăm sóc sức khỏe và phòng chống công tác Bệnh nghề nghiệp liên quan đến Amiăng như: Hoàn thành Dự thảo hướng dẫn chẩn đoán tiêu chuẩn và giám định bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp để bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm; xây dựng và cập nhật hồ sơ quốc gia về Sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến Amiăng.

Tại Hội thảo, TS. Đỗ Quốc Quang, Viện công nghệ, Bộ công thương đã giới thiệu giải pháp về thay thế Amiăng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam. Quá trình nghiên cứu giải pháp thay thế đã được thực hiện bước đầu vào năm 2001, sau khi Quyết định 115/2001/QĐ-TTg được ban hành, sau đó Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước KC.06.15 “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không Amiăng năng suất 500.000 m2/năm” giai đoạn 2003 – 2005. Cho đến nay, Dự án SXTN cấp Nhà nước KC.03.DA.03/11-15 “Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không amiăng năng suất 3 triệu m2/năm” đã và đang được triển khai từ năm 2012-2014. Giải pháp thay thế đã mở ra những cơ hội mới cho ngành công nghiệp Việt Nam và phòng tránh được các bệnh nghề nghiệp liên quan đến Amiăng.

Kết thúc buổi Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đã có những tổng kết tóm lược lại những vấn đề chính, những ý kiến chính xuyên suốt hai ngày làm việc vừa qua.

Các đại biểu tại Hội thảo khẳng định rằng ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt trong việc cung cấp rộng rãi, rõ ràng và chính xác các thông tin về việc bảo vệ sức khỏe của người dân nói chung và công tác phòng chống các bệnh liên quan đến Amiăng nói riêng cho toàn dân cũng như các Bộ, ban ngành liên quan.

Các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo cũng đưa ra các bằng chứng khẳng định việc Amiăng thực sực rất có hại tới sức khỏe của người dân thông qua việc nhấn mạnh rằng: các chuyên gia quốc tế đã đưa ra lời cảnh báo và khẳng định Amiăng trắng có hại đối với sức khỏe và có khả năng gây ra ung thư. Hơn thế nữa, đa số các quốc gia trên thế giới đều đã nhận thức được tác hại của Amiăng, hiện nay chỉ còn 7/150 quốc gia vẫn còn đang sử dụng và chưa có lệnh cấm hoàn toàn Amiăng. Mặc dù vẫn có một số ý kiến cho rằng nếu áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo thì việc sử dụng Ami ăng có thể vẫn an toàn, tuy nhiên, các chuyên gia lại khẳng định: dù Ami ăng được kiểm soát chặt chẽ ở mức thấp nhất vẫn vô cùng nguy hiểm, thêm vào đó, công tác và điều kiện bảo hộ lao động tại Việt Nam còn yếu kém, dẫn đến việc sử dụng Amiăng tại Việt Nam dù được kiểm soát chặt chẽ thì vẫn tạo ra các nguy cơ có hại cao.

Tại Hội thảo này theo một số ý kiến, nếu cấm hoàn toàn việc sử dụng Ami ăng sẽ mang lại ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp tấm lợp và ảnh hưởng đến người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các ý kiến khẳng định, người nghèo và người dân ở vùng sâu, vùng xa càng cần được hưởng sự ưu tiên và sử dụng những sản phẩm tốt, không gây hại cho sức khỏe. Hội thảo đề xuất rằng các nhà nghiên cứu cần phải đưa ra các thông tin cụ thể hơn về lợi ích cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà như thế nào nếu sử dụng việc thay thế bằng tấm lợp không Amiăng, và cần phải bù thêm bao nhiêu tiền để có thể thay thế hoàn toàn tấm lợp sử dụng Amiăng.

PGS. TS. Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh rằng Hội thảo cũng đề cập đến tính cấp thiết của việc nghiên cứu các tác hại của Amiăng, tuy nhiên, do Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu, nên ông đề xuất việc các nghiên cứu ở Việt Nam được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của nước ngoài và phải dự báo được tình hình bệnh tật nói chung và các bệnh liên quan đến Amiăng nói riêng trong thời gian tới, từ đó mới có thể đưa ra những tư vấn quan trọng nhằm giúp Chính phủ đưa ra quyết định sáng suốt. Ông cũng có ý kiến đối với các Trung tâm ung thư trong việc thống kê toàn bộ các ngành nghề có khả năng gây ung thư như ung thư trung biểu mô để có thể góp phần đưa ra những khuyến cáo cao hơn.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về vấn đề này, ông Nga khẳng định rằng Chính phủ đã phân công cho Bộ Công thương là đầu mối chính phụ trách, và Bộ Y tế có nhiệm vụ đề xuất cho Chính phủ dưới góc độ Bảo vệ sức khỏe.

Hội thảo đã nhấn mạnh rằng muốn đạt hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân cần có sự tham gia tích cực và hiệu quả của công tác truyền thông. Cần phải khuyến khích và vận động cho việc sử dụng và sản xuất các vật liệu thay thế Ami ăng, và cần phải tuyên truyền về tác hại của Amiăng một cách sâu rộng hơn.

Cuối cùng, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga đề nghị Cục Quản lý môi trường y tế sẽ tổng hợp và có báo cáo về những ý kiến của Hội thảo trình Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, và gửi các Bộ, ban ngành liên quan để làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp.

Buổi Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp và mở ra những vấn đề, nhiệm vụ mới cho các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp, cá nhân.

Bài và ảnh: Ngọc Cao

Xem thêm ...