Kiểm soát lò đốt rác thải y tế



Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước khi chưa có điều kiện sử dụng các công nghệ tiên tiến thì sử dụng lò đốt rác thải y tế có thể vẫn được xem là giải pháp thích hợp, tạm thời. ( ảnh nguồn Internet) Công nghệ đốt là một trong những công […]

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các nước khi chưa có điều kiện sử dụng các công nghệ tiên tiến thì sử dụng lò đốt rác thải y tế có thể vẫn được xem là giải pháp thích hợp, tạm thời. ( ảnh nguồn Internet)
Công nghệ đốt là một trong những công nghệ được sử dụng để xử lý chất thải rắn tại một số nước trên thế giới. Ưu điểm của công nghệ đốt là xử lý triệt để chất thải và giảm tối đa thể tích chất thải sau xử lý. Tuy nhiên nếu lò đốt không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc quá trình vận hành không tuân thủ theo quy định sẽ có nguy cơ phát thải dioxin/furan. Mặt khác, chi phí giám sát môi trường (giám sát phát thải dioxin/furan) rất cao.

Tại Việt Nam, lò đốt chất thải rắn y tế vẫn là một trong những công nghệ vẫn đang được sử dụng để xử lý chất thải y tế.
Để kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ phát từ những lò đốt chất thải rắn y tế, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản, chính sách.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành QCVN 02:2012/BTNMT -Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế quy định “Khí thải từ các lò đốt chất thải rắn y tế phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, trong đó có chỉ tiêu về Dioxin/Furan PCDD/PCDF phải đảm bảo thấp hơn 2,3 ngTEQ/Nm3”.

Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011. Đề án nêu rõ giải pháp công nghệ trong xử lý chất thải y tế là “Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế theo định hướng áp dụng công nghệ mới, đảm bảo tính thân thiện với môi trường… đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường” và mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo 100% chất thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn về môi trường.
Để triển khai đề án, Bộ Y tế đã bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, từ nguồn kinh phí Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí là 150 triệu USD… để tập trung hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường cho các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ, các bệnh viện công lập thuộc các địa phương có quy mô giường bệnh lớn, nguy cơ phát sinh chất thải nhiều; tăng cường năng lực quan trắc môi trường cho các Viện chuyên ngành trực thuộc Bộ Y tế để quan trắc, giám sát môi trường y tế, trong đó có việc giám sát khí thải từ lò đốt chất thải rắn y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư Dự án “Hỗ trợ quản lý chất thải y tế nhằm giảm phát thải các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân”. Hiện nay Dự án đang xin vốn viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) để triển khai thực hiện. Nội dung chính của Dự án là xây dựng các văn bản, chính sách mang tính tổng thể để quản lý nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hình thành không chủ định trong quá trình xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt (UPOPs), trong đó dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia theo lộ trình để loại bỏ dần những lò đốt không đạt quy chuẩn về môi trường.

Nhằm kiểm soát nguy cơ phát thải dioxin/furan từ lò đốt chất thải rắn y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2013/TT-BYT ngày 15/10/2013 quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện, trong đó quy định các cơ sở y tế phải thực hiện quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế theo QCVN 02:2012/BTNMT với tần suất 3 tháng 1 lần và phải báo cáo cơ quan quản lý theo thẩm quyền.

Hiện nay, lò đốt chất thải rắn y tế được sử dụng chủ yếu ở các bệnh viện tỉnh và huyện. Vì vây UBND tỉnh có vai trò chính trong việc kiểm tra, giám sát, đầu tư và định hướng công nghệ mới thân thiện môi trường để thay thế dần các lò đốt không đạt quy chuẩn môi trường. Theo quy định tại Điều 88 Luật bảo vệ môi trường 2014, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: 1) Lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải trên địa bàn; 2) Đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn; 3) Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hô trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.
Công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải y tế nói riêng đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp và có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo UBND các địa phương và Lãnh đạo các cơ sở y tế.
Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế.

Xem thêm ...