Xây dựng cơ sở y tế đáp ứng nội dung “Quản lý chất thải y tế”



Xây dựng môi trường trong cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp đem lại lợi ích thiết thực, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong bệnh viện và tạo môi trường trong lành giúp người bệnh hồi phục sức khỏe, giảm căng thẳng cho người bệnh và nhân viên y tế. […]

Xây dựng môi trường trong cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp đem lại lợi ích thiết thực, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong bệnh viện và tạo môi trường trong lành giúp người bệnh hồi phục sức khỏe, giảm căng thẳng cho người bệnh và nhân viên y tế. Môi trường xanh – sạch – đẹp là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng cơ sở y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy vậy các kết quả khảo sát gần đây cho thấy vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế (CSYT) cả nước đang còn rất yếu kém và cần sự cải thiện nhiều trong những năm tới.
Trước hết là vấn đề nhà vệ sinh,  hiện nay tại nhiều CSYT nhà vệ sinh đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không có bồn rửa tay, không có xà phòng, thiếu giấy vệ sinh …  và đặc biệt là nhà vệ sinh có mùi hôi. Đối với nhà vệ sinh cho người bệnh và người nhà người bệnh trừ trạm y tế xã còn lại cũng không có CSYT nào đáp ứng đủ số lượng nhà vệ sinh. Về chất lượng thì còn rất nhiều điều đáng bàn, trong đó phổ biến nhất là tình trạng nhà vệ sinh có mùi hôi. Bên cạnh đó còn tồn tại tình trạng nhà vệ sinh hỏng hóc không sử dụng được, khóa cửa, dính đọng phân …
Thứ hai là công tác quản lý chất thải, kết quả quan trắc năm 2015 tại 36 bệnh viện bao gồm tuyến trung ương và tỉnh, huyện thì công tác quản lý chất thải rắn còn rất nhiều tồn tại như thùng đựng chất thải không đáp ứng một số tiêu chí có nắp đậy, có chân và dòng chữ, có biểu tượng. Dụng cụ đựng chất thải sắc nhọn rất đa dạng mỗi bệnh viện một kiểu, vẫn còn hiện thượng phân loại nhầm chất thải y tế tại các khoa phòng…
Thứ ba là vấn đề cung cấp nước sạch, nước ăn uống trong các CSYT. Việc lưu giữ, phân phối nước sạch tại các CSYT hầu hết chưa đảm bảo đúng yêu cầu.
Cuối cùng là vấn đề cây xanh, tại một số CSYT hiện nay còn có hiện tượng phá bỏ các cây xanh để chuyển đổi mục đích sử dụng đất như làm bãi gửi xe, cho thuê làm dịch vụ ăn uống, cửa hàng …
Trước thực trạng đó, BộY tế yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh – sạch – đẹp, trong nội dung bài viết này, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc về cơ sở y tế đáp ứng nội dung “Quản lý chất thải y tế” như sau:
1. Có đủ túi, thùng đựng chất thải y tế theo quy định
– Các khoa phòng bố trí vị trí phù hợp để đặt túi, thùng đựng chất thải, tại nơi đặt túi, thùng có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.
– Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: Đựng trong thùng/hộp kháng thủng có màu vàng;
– Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
– Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
– Chất thải giải phẫu: Đựng trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng rắn: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu đen;
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: Đựng trong các dụng cụ có nắp đậy kín;
– Chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu xanh;
– Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế: Đựng trong túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu trắng (nếu CSYT thu gom chất thải tái chế).
– Tất cả các loại túi/thùng phải được cung cấp đủ để sẵn sàng thay thế ngay khi cần.
2. Phân loại đúng chất thải y tế
–  Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;
– Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phù hợp theo quy định. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa;
–  Khi chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác hoặc ngược lại thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm.
3. Có khu lưu giữ các loại chất thải y tế và thực hiện lưu giữ chất thải y tế
3.1. Lưu giữ chất thải y tế trong khuôn viên CSYT
– Chất thải y tế phát sinh tại các khoa, phòng được lưu giữ tại các phòng chứa tạm thời trước khi được thu gom và chuyển đến kho lưu giữ. Mỗi khoa, phòng cần bố trí nơi lưu giữ tạm thời chất thải, có đủ phương tiện để lưu giữ tập trung các chất thải theo từng loại chất thải.
– Nếu không có phòng chứa tạm thời, chất thải có thể được lưu giữ tại vị trí được chỉ định gần các khoa, phòng đó nhưng cách xa khu vực người bệnh và lối đi chung.
3.2. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại khu lưu giữ chất thải
– Có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải;
– Có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định hiện hành.
– Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật;
– Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn. Trường hợp lưu chứa hóa chất thải ở dạng lỏng phải có nắp đậy kín để chống bay hơi và tràn đổ chất thải.
3.3 Lưu giữ chất thải tại khu lưu giữ
– Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên CSYT.
– Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý.
– Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được lưu giữ riêng.
3.4. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm
– Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại CSYT, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại CSYT không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày. Đối với CSYT có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín;
–  Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ CSYT khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc mô hình tập trung, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.
4. Chất thải y tế được thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định
4.1. Thu gom chất thải
* Thu gom chất thải lây nhiễm
– Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên CSYT;
– Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom;
– CSYT quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong CSYT;
– Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên CSYT;
– Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên CSYT ít nhất 01 (một) lần/ngày;
– Đối với các CSYT có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên CSYT hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01 (một) lần/tháng.
* Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên CSYT;
– Thu gom chất hàn răng amalgam thải và thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng có chứa thủy ngân: Chất thải có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán hơi thủy ngân ra môi trường.
* Thu gom chất thải y tế thông thường: Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng.
4.2. Vận chuyển chất thải y tế
*  Tuyến đường vận chuyển
Tuyến thu gom và vận chuyển nên sử dụng lối đi riêng biệt, càng xa nơi tập trung đông người càng tốt. Tuyến thu gom và tuyến vận chuyển phải cố định.
Quá trình thu gom được thực hiện bắt đầu từ khu vực nhạy cảm nhất (khu chăm sóc đặc biệt, khu lọc máu…) theo một lộ trình cố định đến các khu vực ít nhạy cảm hơn rồi đến kho lưu giữ. Tuyệt đối tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực công cộng trong CSYT.
*  Thời gian vận chuyển
Thời gian vận chuyển được bố trí hợp lý, thực hiện vào thời điểm ít người qua lại, ngoài giờ hành chính, tránh thời điểm tập trung đông người bệnh và người nhà.
*  Phương tiện vận chuyển
Yêu cầu về xe vận chuyển chất thải trong các CSYT như sau:
– Xe vận chuyển các chất thải phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có thành, có nắp, có đáy kín, dễ cho chất thải vào, dễ lấy chất thải ra, dễ làm sạch, dễ tẩy uế, dễ làm khô.
–    Dễ dàng chất tải và dỡ bỏ chất thải;
–    Không có cạnh sắc nhọn có thể làm hỏng túi đựng chất thải hoặc bao gói trong quá trình bốc dỡ;
–    Dễ dàng để làm sạch;
–    Được dán nhãn và sử dụng riêng cho một loại chất thải;
–    Dễ dàng đẩy, kéo;
–    Không quá cao (để tránh hạn chế tầm nhìn của nhân viên vận chuyển chất thải);
–    Xe vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải được khóa lại khi không sử dụng;
–    Có kích thước phù hợp với khối lượng chất thải phát sinh tại CSYT.
* Nhân viên vận chuyển phải tuân thủ thực hiện các nội dung sau:
–  Nhân viên vận chuyển chất thải phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ như quần áo, găng tay, kính, mũ và khẩu trang. Chất thải nguy hại và không nguy hại phải được vận chuyển riêng.
–    Không được phép bưng, bê để vận chuyển chất thải, đặc biệt là chất thải độc hại, do nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc các thương tích do vật dụng chứa chất thải lây nhiễm, hoặc chất thải sắc nhọn xử lý không đúng cách nhô ra khỏi thùng chứa gây ra.
–    Người vận chuyển không được chất quá đầy chất thải trong xe, không được gây rò rỉ hoặc rơi vãi chất thải trên đường vận chuyển. Nếu để nước thải hoặc chất thải rơi vãi trên đường vận chuyển, người vận chuyển phải dừng xe tiến hành xử lý, thu gom và làm sạch, khử khuẩn ngay sau khi xảy ra sự cố.
–    Trường hợp vận chuyển chất thải bằng thang máy, nhân viên vận chuyển không được để nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và sinh viên đi cùng. Thang máy sau mỗi lần vận chuyển phải được lau khử khuẩn toàn bộ bề mặt buồng thang máy.
–    Nhân viên vận chuyển chất thải tiến hành bàn giao cho nhân viên tiếp nhận chất thải về số lượng túi, hộp chất thải và trọng lượng của từng loại chất thải. Riêng chất thải là nhau thai bàn giao theo số lượng nhau thai. Thai chết lưu được thực hiện vận chuyển và bàn giao như đối với quy định về xử lý thi hài.
–    Nhân viên vận chuyển phải được trang bị quần áo bảo hộ, mũ, khẩu trang, kính và găng tay trong suốt quá trình vận chuyển. Xe vận chuyển chất thải y tế phải được làm sạch và khử trùng hàng ngày.
4.3. Xử lý chất thải rắn y tế
*  Xử lý đối với chất thải
Chất thải y tế nguy hại phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
* Lựa chọn công nghệ
Ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
5. Quản lý chất thải tái chế đúng quy định
–  Các chất thải là các vật liệu không có chứa thành phần nguy hại; không chứa yếu tố lây nhiễm hoặc đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc Chứa đựng các loại thuốc, hóa chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất là những chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế.
–  Bao bì lưu chứa chất thải phải được buộc kín và có biểu tượng chất thải tái chế theo quy định tại Phụ lục số 02 Thông tư Liên tịch số: 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
– Ghi đầy đủ thông tin vào Sổ bàn giao chất thải phục vụ mục đích tái chế theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 Thông tư Liên tịch số: 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
6. Xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường
–  Hệ thống thu gom nước thải y tế tại CSYT phải đảm bảo kín, không có mùi hôi thối.
– Nước thải y tế phải quản lý, xử lý theo nội dung của một trong các văn bản sau của đơn vị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận và các quy định hiện hành của Bộ Y tế như báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản
– Nước thải trước khi thải ra môi trường phải đạt QCVN 28:2010/BTNMT – quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế, cột A hoặc B tùy thuộc vào nguồn tiếp nhận nước thải.
–  Thực hiện lấy mẫu đánh giá chất lượng nước thải y tế 03 tháng/1 lần./.

Hữu Hùng- Đỗ Thành

Xem thêm ...