Xây dựng cơ sở y tế đáp ứng nội dung ” xanh-sạch-đẹp”



Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh – sạch – đẹp, trong nội dung bài viết này, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc các tiêu chí triển khai cơ sở y tế  “Xanh- Sạch – Đẹp”, nội dung như sau: I. Xây dựng […]

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh – sạch – đẹp, trong nội dung bài viết này, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc các tiêu chí triển khai cơ sở y tế  “Xanh- Sạch – Đẹp”, nội dung như sau:
I. Xây dựng CSYT đáp ứng nội dung “Xanh”
1. Các khoa, phòng có cây xanh (kể cả cây cảnh) và được sắp xếp phù hợp.
1.1. Có cây xanh:
Có cây xanh ở hành lang/đường đi chung của các khoa phòng, với số lượng phù hợp với không gian chung.
Đối với các khoa/phòng có sân, đất trống phải trồng cây xanh, thảm cỏ phù hợp theo quy hoạch  của đơn vị.
1.2. Sắp xếp phù hợp:
Cây xanh được trồng, đặt tạo không gian xanh, mát nhưng không ảnh hưởng đến các hoạt động, an toàn của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh hoặc khách hàng sử dụng dịch vụ y tế và tuân thủ các quy định về an toàn sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn.
2. CSYT có sơ đồ quy hoạch tổng thể và chi tiết việc trồng cây. Hàng năm có bổ sung cây xanh theo kế hoạch.
– Tổ chức khảo sát và đánh giá hiện trạng cây xanh/cây cảnh của từng khoa phòng và các khu vực chung như hành lang, cầu thang, khuôn viên.
–  Xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổng thể về việc bổ sung cây xanh (có thể xây dựng kế hoạch trong 5 năm). Nội dung kế hoạch cần nêu rõ số lượng cây xanh, chậu hoa/cây cảnh cần bổ sung hoặc thay thế hàng năm. Lập sơ đồ vị trí trồng cây hoặc vị trí đặt chậu hoa cây, cảnh.
–  Thực hiện trồng cây, đặt chậu hoa/cây cảnh theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
–  Định kỳ kiểm tra, rà soát để thực hiện và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
3. CSYT có công viên/vườn hoa/bãi cỏ trong khuôn viên
Diện tích công viên, vườn hoa, hoặc bãi cỏ trong khuôn viên CSYT đảm bảo tối thiểu 5% tổng diện tích của CSYT
Công viên/vườn hoa/bãi cỏ phù hợp với quy hoạch tổng thể của cơ sở y tế
4. Bố trí chậu hoa, cây cảnh tại các khu vực tiếp đón, phòng chờ, hành lang…Vườn hoa, cây cảnh được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên.
Khu vực tiếp đón, phòng chờ có cây xanh, số lượng phù hợp với không gian chung
Đối với các nơi có sân, đất trống, trồng cây xanh, thảm cỏ phù hợp theo quy hoạch.
Thực hiện chăm sóc, cắt tỉa hoa, cây cảnh, thảm cỏ thường xuyên và  sắp xếp gọn gàng, hợp lý.
II. Xây dựng CSYT đáp ứng nội dung “Sạch”
1. Có đầy đủ nước ăn uống, nước sinh hoạt hợp vệ sinh
– Cung cấp đủ nước ăn uống, nước sinh hoạt đảm bảo liên tục 24/24h (đối với cơ sở y tế có giường bệnh theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 365: 2007; đối với cơ sở y tế khác đảm bảo tối thiểu 120 lít/người.ngày)
– Các vị trí cấp nước ăn uống, sinh hoạt đảm bảo thuận tiện, dễ tiếp cận cho việc sử dụng.
– Nước dùng cho ăn uống tại CSYT phải đáp ứng các quy định QCVN 01: 2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần đối với các chỉ tiêu A, B và 1 năm /lần đối với các chỉ tiêu C.
– Chất lượng nước dùng cho mục đích sinh hoạt thực hiện theo QCVN 02: 2009/BYT-  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt
– Các CSYT dùng một nguồn nước cho cả 2 mục đích ăn uống, sinh hoạt chỉ cần kiểm tra theo QCVN 01: 2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống
– Nếu CSYT sử dụng máy lọc nước hoặc bình nước uống trực tiếp thì phải kiểm tra thường xuyên, chất lượng nước phải đảm bảo theo quy chuẩn QCVN 6-1: 2010/BYT “Nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai”.
2. Mỗi khoa/phòng có khu vệ sinh riêng cho người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ y tế và khách hàng sử dụng dịch vụ y tế (đối với trạm y tế phải có nhà tiêu hợp vệ sinh)
– Đối với các bệnh viện: khu vệ sinh tại CSYT khi xây dựng theo tiêu chuẩn xây dựng việt nam TCXDVN 365: 2007 Bệnh viện đa khoa – hướng dẫn thiết kế quy định về số lượng, diện tích các nhà vệ sinh trong các bệnh viện.
– Đối với các trạm y tế: nhà tiêu hợp vệ sinh theo QCVN 01:2011/BYT quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu – Điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh.
– Đối với các cơ sở đào tạo áp dụng theo Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2016 quy định về công tác y tế trường học
– Đối với các CSYT khác áp dụng theo QĐ 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/10/2002 về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động
– Buồng vệ sinh có hướng dẫn sử dụng phù hợp
3. Khu vệ sinh có phòng riêng cho Nam, Nữ
Khu vệ sinh công cộng có chia phòng Nam, Nữ và gắn rõ biển.
4. Khu vệ sinh sạch sẽ, không có mùi hôi
Trong khu vực nhà vệ sinh không có rác, bụi bẩn, bệ tiêu, bệ tiểu không dính đọng phân, nước tiểu; không bốc mùi khai, hôi thối
5. Sàn khu vệ sinh sạch, không đọng nước, không trơn trượt
Sàn đảm bảo sạch sẽ, không có vũng nước đọng, rãnh nước đọng, không có rêu, không trơn trượt.
6. Khu vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh, thùng đựng chất thải
– Bố trí đủ giấy vệ sinh cho nhân viên y tế, người đến khám, chữa bệnh hoặc khách hàng sử dụng dịch vụ y tế
– Mỗi buồng vệ sinh có thùng  đựng chất thải sinh hoạt có lót túi, có nắp đậy. Chất thải được thu gom ít nhất ngày 1 lần và khi đầy. Thùng đựng chất thải được vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ.
7. Khu vệ sinh có bồn rửa tay và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay, có gương
Khu vệ sinh có bồn/chậu rửa tay có nước thường xuyên, không rò rỉ, không cáu bẩn; đầy đủ xà phòng hoặc dung dịch rửa tay; có gương.
8. Có biển chỉ dẫn đến nhà vệ sinh. Có bảng hướng dẫn rửa tay cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh và khách hàng sử dụng dịch vụ y tế
– Có biển chỉ dẫn đến khu vệ sinh chung ở vị trí dễ quan sát.
– Có bảng hướng dẫn rửa tay thường quy tại vị trí bồn/chậu rửa tay.
9. Có nhân viên dọn khu vệ sinh và nhân viên giám sát thường xuyên tối thiểu ngày 2 lần và khi cần
CSYT phải phân công cụ thể người làm vệ sinh khu vệ sinh và có sổ theo dõi được ghi chép và giám sát hàng ngày.
10. Tại các khu vực, khoa phòng, buồng bệnh: trần nhà, tường nhà sạch, không mạng nhện, rêu mốc. Sàn nhà sạch sẽ, không trơn trượt, không đọng nước. Hành lang, cầu thang sạch, không có chất thải rơi vãi.
11. Khoa, phòng, buồng bệnh, nhà vệ sinh, hành lang đảm bảo thông khí và đủ ánh sáng
Thông khí và ánh sáng tại khoa, phòng, buồng bệnh, nhà vệ sinh, hành lang áp dụng theo QĐ 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/10/2002 về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động
12. Khu vực ngoại cảnh: sân vườn được vệ sinh, thu gom chất thải sạch, không có nước đọng
13. Bố trí đủ thùng đựng chất thải tại sân vườn, các khoa/phòng, khu vực hành lang chung
CSYT bố trí đầy đủ thùng có lót túi đựng chất thải sinh hoạt, kích thước phù hợp tại từng vị trí, chất thải được thu gom ít nhất ngày 1 lần và khi đầy, thùng được vệ sinh sạch sẽ.
14. Người bệnh, người nhà người bệnh phối hợp với cán bộ y tế tham gia thực hiện CSYT xanh-sạch-đẹp.
CSYT tuyên truyền vận động bằng các hình thức: Có thông báo, phổ biến, phát tờ rơi cho người bệnh, người nhà người bệnh cùng tham gia dọn vệ sinh, trồng và chăm sóc cây xanh.
Người bệnh, người nhà người bệnh tham gia các hoạt động vệ sinh chung tại buồng bệnh, các khoa phòng, CSYT; tham gia trồng và chăm sóc cây xanh. IV. Xây dựng CSYT đáp ứng nội dung “Đẹp”
1. Bố trí ghế ngồi, thuận tiện cho người bệnh và người nhà người bệnh. Phòng chờ có tranh ảnh, sách, báo, ấn phẩm truyền thông về chăm sóc, giữ gìn sức khỏe, vệ sinh môi trường.
– Phòng đón tiếp, phòng chờ cần được bố trí ghế ngồi để người bệnh người nhà ngồi chờ đến lượt khám. Ghế ngồi cần có đủ chỗ cho tối thiểu 10% số lượt người bệnh đến khám trung bình trong một ngày (dựa trên số liệu tổng lượt khám trung bình trong ngày).
– Phòng tiếp đón, phòng chờ phải thoáng gió, đủ sáng, tạo sự thoải mái cho người bệnh và người nhà người bệnh khi chờ khám.
– Tại phòng chờ có tranh, ảnh, sách, báo, ấn phẩm truyền thông về chăm sóc, giữ gìn sức khỏe, vệ sinh môi trường và được treo hoặc để ở giá, tủ gọn gàng ngăn nắp tại vị trí phù hợp.
2. Trần nhà, tường nhà, cửa, cổng, hành lang, cầu thang được định kỳ sơn hoặc quét vôi sạch đẹp.
–  Trần nhà, tường nhà, hành lang, cầu thang, cửa, cổng sạch sẽ, không rêu mốc, bụi bẩn, được sơn màu hoặc quét vôi phù hợp, sạch đẹp.
– Đối với khu vực khám, điều trị cho trẻ em, trang trí tường, hành lang, cầu thang phù hợp (ví dụ: bố trí khu vui chơi, đồ chơi, sơn  hoặc vẽ tranh tường nhiều màu sắc…).
– Thường xuyên kiểm tra theo dõi, bảo trì, sửa chữa sớm và khắc phục kịp thời trần nhà, tường nhà, cửa, cổng, hành lang, cầu thang khi có bong tróc, hỏng hóc.
3. Sắp xếp, bố trí khu vực để xe cho cán bộ y tế, người bệnh và người nhà người bệnh thuận tiện
– CSYT bố trí khu vực để xe cho cán bộ y tế và khu vực để xe cho người bệnh và người nhà người bệnh riêng biệt.
– Mỗi khu vực phải có biển báo ghi rõ “Khu vực để xe cho cán bộ y tế”  hoặc “ Khu vực để xe cho người bệnh và người nhà người bệnh”.
– Xe được sắp xếp theo hàng để thuận tiện lấy ra hoặc xếp vào.
– Nhân viên trông xe hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh để xe đúng khu vực đã quy định.
4. Chăn, ga gối, quần áo người bệnh, giường tủ trong các khoa, phòng sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
–   CSYT cung cấp đầy đủ các vật dụng cá nhân cho người bệnh như chăn, ga, gối, quần áo sạch sẽ, được thay đúng lịch và khi cần.
–  Bảo đảm mỗi giường bệnh có 1 tủ đầu giường. Tủ đầu giường sạch sẽ, không bị hoen rỉ, hỏng hóc.
–  Sắp xếp đồ đạc/tư trang của người bệnh và người nhà người bệnh gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.
5. Cán bộ y tế, người bệnh và người nhà người bệnh mang trang phục CSYT theo đúng quy định, được thay đúng lịch và khi cần.
– Cán bộ y tế mang trang phục, biển hiệu theo đúng quy định.
– Người bệnh được trang bị trang phục phù hợp theo quy định.
– Đảm bảo trang phục của CBYT, người bệnh luôn sạch sẽ, văn minh, được thay đúng lịch và khi cần.
6. Có treo băng rôn khẩu hiệu CSYT xanh-sạch-đẹp
–  Băng rôn rõ ràng, sạch, đẹp.
– Băng rôn được treo ở vị trí dễ quan sát.
V. Nội dung về tổ chức triển khai
1. Có Quyết định thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo của đơn vị, trong đó có bổ sung nhiệm vụ, thực hiện nội dung Kế hoạch CSYT xanh-sạch-đẹp
–  Giám đốc/ Người đứng đầu cơ sở y tế ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp. Ban chỉ đạo có thể thành lập riêng hoặc lồng ghép vào với Ban chỉ đạo thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
–  Thành phần của Ban chỉ đạo: Giám đốc/ Người đứng đầu cơ sở y tế làm Trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn của cơ sở y tế làm Phó trưởng ban, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, lãnh đạo khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, lãnh đạo phòng Hành chính Quản trị, Lãnh đạo một số  khoa, phòng, ban và tương đương có liên quan tham gia thành viên. Trong danh sách các thành viên phải ghi rõ nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên.
– Ban Chỉ đạo của đơn vị có nhiệm vụ lập kế hoạch và triển khai kế hoạch chi tiết theo sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cấp trên, phù hợp với đặc thù từng đơn vị. Một số nhiệm vụ cụ thể:
+ Chỉ đạo lập kế hoạch tổ chức cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp.
+ Lập kế hoạch tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ nhân viên trong cơ sở y tế.
+ Tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện việc triển khai. Định kỳ kiểm điểm, rà soát và điều chỉnh kế hoạch; thực hiện sơ kết, tổng kết, khen thưởng đơn vị/cá nhân thực hiện tốt phong trào.
+ Họp định kỳ ít nhất 2 lần/năm để đánh giá, sơ, tổng kết kết quả triển khai kế hoạch xanh-sạch-đẹp; rút kinh nghiệm, thảo luận về các bổ sung, điều chỉnh cần thiết trong kế hoạch và xây dựng các hoạt động cụ thể của Kế hoạch cho năm tiếp theo.
+ Khi có những thay đổi so với kế hoạch xây dựng đầu năm, cần họp Ban chỉ đạo thảo luận về các bổ sung, điều chỉnh cần thiết trong kế hoạch.
2. Có tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ nhân viên triển khai Kế hoạch CSYT xanh-sạch-đẹp
– Cơ sở y tế cần lập kế hoạch tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế của đơn vị. Kế hoạch cần nêu rõ đối tượng được tập huấn, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức tập huấn.
– Cơ sở y tế có thể tự tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế trong đơn vị hoặc mời đơn vị có năng lực tổ chức tập huấn.
–  Nội dung tập huấn phải thể hiện đầy đủ các nội dung xanh, sạch, đẹp, quản lý chất thải, tổ chức thực hiện trong bộ tiêu chí đánh giá.
– Đảm bảo 100% nhân viên y tế được tham gia tập huấn.
3. Có triển khai các hoạt động truyền thông thực hiện  CSYT xanh-sạch-đẹp
– Có thông báo tới tất cả khoa /phòng và tổ chức thực hiện  các  hoạt động truyền thông thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp
– In ấn, tài liệu, tờ rơi, tranh ảnh liên quan đến nội dung xanh-sạch-đẹp
– Phát động phong trào liên quan đến các nội dung xanh-sạch-đẹp tại cơ sở.
– Phát động thi đua tới các khoa/phòng của cơ sở y tế thực hiện phong trào xanh-sạch-đẹp.
– Tổ chức hội thảo, hội nghị hoặc ngày hội xanh-sạch-đẹp.
4. Có kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, khen thưởng việc thực hiện kế hoạch CSYT xanh-sạch-đẹp
– Các cơ sở y tế định kỳ kiểm tra giám sát tối thiểu 03 tháng 1 lần và có Biên bản kiểm tra, giám sát.
– Thực hiện sơ kết 06 tháng 1 lần và có Biên bản sơ kết
– Thực hiện tổng kết 1 năm/1 lần và có Biên bản tổng kết.
– Khen thưởng tổ chức/hoặc cá nhân thực hiện tốt và có thành tích trong thực hiện cơ sở xanh-sạch-đẹp.
5. Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường theo quy định
– CSYT thực hiện quan trắc môi trường theo Thông tư số: 31/2013/TT -BYT Quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện hoặc các văn bản, quy định hiện hành (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản, cam kết bảo vệ môi trường).
– CSYT thực hiện quan trắc môi trường lao động theo QĐ 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/10/2002 về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động.
Hữu Hùng- Đỗ Thành

Xem thêm ...