Xử lý chất thải y tế vẫn là gánh nặng cho ngân sách bệnh viện



Hiện nay, cả nước có 13.674 cơ sở y tế, trong đó có 1.253 bệnh viện; 1.037 cơ sở thuộc hệ dự phòng; 100 cơ sở đào tạo; 180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 Trạm y tế xã. Chỉ tính riêng khối bệnh viện, mỗi ngày phát thải khoảng 450 tấn chất thải rắn, trong đó có khoảng 47 tấn chất thải rắn y tế nguy hại. Tổng lượng nước thải y tế từ các bệnh viện khoảng 125.000 m3/ngày đêm.

Để thu gom và xử lý số chất thải trên, chỉ tính riêng số 1.250 bệnh viện đã và đang phải chi ra hơn 500 tỷ đồng mỗi năm (theo số liệu báo cáo của các bệnh viện để xử lý 1kg chất thải rắn nguy hại cần ít nhất là 15.000 đồng và để xử lý 1m3 nước thải y tế cần 6.500 đồng; chưa tính đến kinh phí đầu tư các thiết bị, dụng cụ và xây dựng các hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại và hệ thống xử lý nước thải bệnh viện). Trong khi đó, các bệnh viện không được cấp nguồn kinh phí riêng để chi trả cho việc xử lý chất thải. Và, cũng theo các quy định hiện hành thì các bệnh viện cũng chưa được thu phí xử lý chất thải y tế theo giường bệnh hoặc theo các dịch vụ khám chữa bệnh. Thực trạng trên kéo dài đã nhiều năm. Tuy nhiên, các bệnh viện công lập trong những năm gần đây đều phải tự chủ một phần (và tiến tới sẽ tự chủ hoàn toàn), nguồn ngân sách nhà nước cấp theo giường bệnh cho các bệnh viện để chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên y tế, chi phí vận hành toàn bộ các hoạt động của bệnh viện chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, phần lớn kinh phí để vận hành các hoạt động của bệnh viện (bao gồm cả việc trả lương cho cán bộ, viên chức bệnh viện) đều phải lấy từ nguồn thu viện phí.
Nhiều nước trên thế giới đã đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “ người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm giúp tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước và sử dụng hai nguồn kinh phí chính để quản lý chất thải y tế là viện phí và thuế bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ-TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ “Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường”. Tại Thông tư 97/2006 ngày 16/10/2006 về hướng dẫn phí và lệ phí quy định phí vệ sinh là khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn địa phương, như chi phí cho tổ chức hoạt động của đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy trình kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền quy định.Tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP Ngày 15/10/2012 Chính phủ, về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập, đã quy định rõ chi phí xử lý chất thải y tế là chi phí trực tiếp. Theo đó, theo lộ trình đã được quy định tại Nghị định này thì đến năm 2018 khi phí khám chữa bệnh được tính đúng, tính đủ thì sẽ có nguồn kinh phí để chi trả cho vệ sinh môi trường và xử lý chất thải y tế.
10.12.2015
Do tính chất nguy hại, chúng ta cần biết rằng: tất cả các chất thải y tế nguy hại đều phải được xử lý triệt để và nghiêm ngặt, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng (theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và cũng đã được Luật môi trường Việt Nam quy định). Đồng thời, chúng ta cũng cần biết là: thu gom và xử lý chất thải y tế đúng và triệt để cũng là góp phần phòng chống lây lan dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực và trực tiếp vào việc đảm bảo môi trường, an sinh, xã hội. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách nhà nước dành cho các bệnh viện còn hạn hẹp, nguồn thu viện phí chưa đủ chi (do giá viện phí hiện nay chỉ tính một phần, chưa tính đúng, tính đủ) nên các bệnh viện chỉ có thể ưu tiên sử dụng kinh phí cho các hoạt động thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho công tác khám chữa bệnh (tiền lương, tiền thuốc, sinh phẩm, vật tư tiêu hao…). Nhằm giúp các bệnh viện khắc phục khó khăn trên, Chính phủ đã phê duyệt và giao Bộ Y tế triển khai dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới, thời gian thực hiện trong 5 năm (từ 2012 đến 2017). Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều công nghệ tiên tiến, giá thành thấp trong xử lý chất thải rắn y tế như công nghệ hấp ướt, vi sóng, đốt tập trung; xử lý nước thải bệnh viện bằng nhiều công nghệ mới, hiệu quả cao, giá thành thấp. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện chương trình xã hội hóa các dịch vụ công, một số thành phố (đi đầu là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) đã triển khai mô hình Đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế. Nhà nước không phải đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải y tế giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đã giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong năm 2015, Cục Quản lý môi trường y tế đã có khảo sát thực trạng về vấn đề đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế. Trên cơ sở Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong kế hoạch năm 2016 Bộ Y tế sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế để tiếp tục huy động thêm nhiều nguồn lực, bao gồm cả kinh phí, kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật từ khối tư nhân để họ tham gia ngày mạnh mẽ và có hiệu quả trong hoạt động xử lý chất thải y tế.
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, Việt Nam cần khoảng 500 triệu USD để xây dựng các hệ thống xử lý chất thải y tế. Từ thực tế, chi phí thường xuyên xử lý chất thải y tế cần hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế, chính sách cho phép thu phí phát thải từ các đối tượng sử dụng các dịch vụ tại các bệnh viện; huy động thêm nhiều nguồn lực và duy trì một cách bền vững công tác xử lý chất thải y tế đang là một vấn đề cấp bách, thách thức lớn đối với ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng nhằm giảm gánh nặng ngân sách của các bệnh viện cho việc xử lý chất thải y tế.
BS. Nguyễn Hữu Hùng

Xem thêm ...